A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà ở xã hội - Cơ hội nào cho người thu nhập thấp?- Bài 3: Nhọc nhằn gánh nặng an cư

Thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Số lượng nhà ở xã hội hiện mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu. Đại bộ phận các đối tượng trong diện được mua, nhất là người thu nhập thấp chưa thể tiếp cận được chính sách.

Mòn mỏi tìm chốn an cư

Chạng vạng tối, phía trước cổng Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) nườm nượp công nhân nối nhau tan ca trở về nhà sau một ngày dài làm việc mệt nhọc. Trong số hàng chục nghìn công nhân đang làm việc tại đây, chỉ có một phần rất nhỏ may mắn thuê được nhà trọ giá rẻ tại khu nhà ở công nhân. Số rất ít khác sau nhiều năm gom góp, tích lũy đã mua được đất và xây tạm nhà cấp 4 để “lấy chỗ chui ra chui vào”. Còn lại, đa số công nhân, người lao động đều phải thuê nhà trọ trong các khu dân cư gần khu công nghiệp.

Một khu chung cư nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: DŨNG MINH 

Bên quán nước ven đường gần với cổng khu công nghiệp, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Xuân Hòa, 40 tuổi, quê ở xã Đại Thành, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Vừa ghé quán nước, anh Hòa cẩn thận cất chiếc áo đồng phục của công ty và lấy từ trong cốp xe chiếc áo đồng phục xe ôm công nghệ, tranh thủ chạy vài chuyến xe trước khi về nghỉ tối để có thêm đồng ra đồng vào. Hai vợ chồng anh Hòa làm công nhân nhà máy sản xuất thép, đến nay được 15 năm và trong chừng ấy năm qua đã chuyển không ít nhà trọ vì chưa thể mua được nhà riêng. Nhiều lần tính toán, dồn góp rồi vay mượn thêm để tìm mua căn hộ chung cư, hoặc tìm mua đất rồi xây tạm nhà cấp 4, nhưng giá bất động sản cứ mỗi năm lại tăng thêm một ít, có năm tăng đột biến mấy chục phần trăm, nên không ít lần anh chị ngậm ngùi tiếc nuối khi bỏ lỡ cơ hội mua được nhà. Cũng bởi chưa có chỗ an cư, chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên vợ chồng anh Hòa đành gửi hai con gái về sống cùng ông bà nội ở quê.

Khi được hỏi vì sao không đăng ký mua nhà ở xã hội hay thuê nhà trọ giá rẻ dành cho công nhân, anh Hòa nhìn chúng tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên và giãi bày: "Mấy năm trước, vợ chồng tôi đã làm đơn đăng ký thuê nhà ở công nhân, nhưng không được phản hồi. Sau này mới nghe nói, muốn thuê được nhà thì phải có phí “lót tay” chứ dễ gì thuê được. Còn về mua nhà ở xã hội, cả hai vợ chồng thay nhau tìm hiểu, nhưng có quá nhiều thủ tục, điều kiện kèm theo. Trong khi, ở gần nơi làm việc thì không có dự án nhà ở xã hội nào, ở xa thì không thuận cho việc đi lại. Nhất là hồi năm ngoái (2023), trên các phương tiện báo chí, truyền thông phản ánh có hàng nghìn người ùn ùn xếp hàng suốt cả đêm để tranh nhau suất mua nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội là chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân, người thu nhập thấp, nhưng chỉ thấy người đi ô tô xếp hàng nộp hồ sơ mua, vậy thử hỏi, người thu nhập thấp như chúng tôi, những người thực sự có nhu cầu mua nhà ở xã hội có bao nhiêu phần trăm cơ hội? Hơn nữa, giả sử như có bốc trúng được suất mua thì với tổng thu nhập của vợ chồng tôi hiện khoảng 25 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi hai con ăn học thì tích lũy được bao nhiêu để mua nhà? Trong khi đó, mức lãi suất vay ngân hàng mua nhà ở xã hội có thời điểm lên tới 8,2%/năm...".

Đang trò chuyện với chúng tôi thì điện thoại thông báo có khách đặt xe, anh Hòa uống vội cốc nước rồi nói đầy vẻ chua xót: "Hà Nội rộng lớn như thế, nhưng vẫn không thể có nổi một chỗ an cư các anh ạ!". Quả thực, với công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, để mua được nhà ở xã hội là vô cùng khó và sở hữu nhà ở tại Hà Nội gần như là "nhiệm vụ bất khả thi". 

Những chia sẻ của anh Hòa cũng là nỗi trăn trở của nhiều công nhân, người thu nhập thấp khi mưu sinh, lập nghiệp ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng cao, trong khi nguồn cung ngày càng khan hiếm nên từ đầu năm 2023 đến nay, các căn hộ chung cư liên tục tăng giá. Theo đà này, giá các căn hộ nhà ở xã hội cũng “té nước theo mưa”, bất chấp các quy định của pháp luật.

Quá trình thực hiện loạt bài này, khi gặp gỡ các công nhân, người lao động, nhiều người xuýt xoa với chúng tôi rằng, những người may mắn bốc trúng suất mua nhà ở xã hội không khác gì trúng xổ số giải độc đắc.

Nhà ở xã hội là chính sách nhân văn của Nhà nước dành cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân, người thu nhập thấp. Nhưng nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch khi có cả những người không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nhưng vẫn bốc trúng suất mua... Đơn cử như tại dự án NHS Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), qua kiểm tra, Sở Xây dựng TP Hà Nội xác định có 7 hồ sơ không đủ điều kiện nhưng vẫn bốc trúng suất mua... Chính các yếu tố này là một trong những nguyên nhân khiến cho người thu nhập thấp gần như không thể với tới nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội chỉ có trên ti vi...

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Chung và chị Nguyễn Thị Nhung quê ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vào miền Nam lập nghiệp đã ngót nghét 20 năm, trong đó có hơn 10 năm làm công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Anh Chung tâm sự: "Hai vợ chồng làm công nhân hơn 15 năm qua, ở trọ miết đến nay cũng dành dụm được một số tiền, nhưng 5 năm nay tìm hiểu, đăng ký mua nhà ở xã hội đều không được. Hằng năm, công ty có bình xét các trường hợp khó khăn để khi có suất mua sẽ được ưu tiên, nhưng chúng tôi chỉ nghe nhà ở xã hội trên ti vi, báo đài, thực sự không biết dự án ở đâu, mua thế nào, vay vốn ra sao".

Anh Lê Anh Dũng, quê ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng, Nam Định) vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp đến nay được 20 năm, hiện đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1, TP Dĩ An (Bình Dương) bộc bạch: "Nghe đến nhà ở xã hội thì những lao động xa quê đang phải đi thuê nhà trọ, ai cũng mong đợi để sớm có nơi an cư. Giá lại thấp hơn nhà ở thương mại, người mua được vay đến 80% với lãi suất thấp là những chính sách ưu đãi rất tốt. Thông tin về nhà ở xã hội rất hấp dẫn, dù đã rất cố gắng tìm kiếm nhưng tôi và nhiều người trong công ty không tiếp cận được dự án và nguồn vay. Cùng với đó, các quy định và yêu cầu liên quan đến hồ sơ, điều kiện, thủ tục mua đã vô hình trung tạo ra nhiều rào cản và khó khăn, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp nhưng không có hộ khẩu tại nơi bán nhà ở xã hội".

“Nhà ở xã hội chỉ thấy trên ti vi” là cảm thán của nhiều công nhân, người lao động đang sinh sống, làm việc tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là hai địa phương có nhu cầu về nhà ở cấp bách nhất hiện nay của cả nước, trong khi đó, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá bất động sản tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Do nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm nên phần lớn người thu nhập thấp phải thuê nhà trọ. Số liệu khảo sát của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho thấy, có tới 60% công nhân, lao động nhập cư thuê nhà trọ. Toàn thành phố có hơn 60.000 cá nhân đầu tư xây dựng các khu nhà trọ với khoảng 560.219 phòng trọ, giải quyết nhu cầu thuê cho hơn 1,4 triệu người thu nhập thấp đến trung bình.

Theo ông Phạm Minh Mẫn, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, thành phố đặt ra chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030 là đầu tư xây dựng từ 69.700 đến 93.000 căn. Kết quả, giai đoạn 2006-2010, thành phố xây dựng, đưa vào sử dụng 2 dự án với 118 căn hộ; giai đoạn 2011-2015 có 10 dự án với 3.700 căn hộ; giai đoạn 2016-2020 có 19 dự án với 15.000 căn hộ. Từ năm 2021 đến tháng 7-2024, Sở Xây dựng thành phố cũng đưa vào sử dụng 6 dự án với quy mô 2.700 căn hộ và đang thi công 4 dự án với 3.000 căn hộ. Mục tiêu đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành 35.000 căn nhà ở xã hội, song đến nay số dự án thực hiện được rất ít. Trước mắt, thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu được Thủ tướng giao là 26.500 căn.

 Ngày 24-5-2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ: Trong suốt quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội. Đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội và có khoảng 374.000 căn nhà ở xã hội đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số hạn chế. Trong đó phải kể đến việc nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế, hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đặt ra. Giá nhà ở xã hội cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng...

(còn nữa)

NHÓM PV BÁO QĐND

 (Để giữ bí mật thông tin cá nhân, tên các nhân vật được phỏng vấn trong bài đã thay đổi)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật