A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi điều trị bệnh bằng sự yêu thương, chân thành

Nghề y vốn là nghề đặc thù, công việc của bác sĩ tâm thần càng có tính đặc thù hơn. Tại Việt Nam, nhắc đến từ "tâm thần", thường không chỉ bệnh nhân mà ngay cả bác sĩ hoạt động trong ngành này cũng bị kỳ thị. Vượt lên những trở ngại, các y sĩ, bác sĩ Khoa Tâm thần (A6) của Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Nghề chọn người

Đại tá, PGS, TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa A6 đã “bám trụ” được với nghề hơn 35 năm. Từ một người ban đầu thấy “sốc” khi được phân về A6 làm việc, theo thời gian, ông trở thành chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực điều trị bệnh tâm thần. Với ông, mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh khác nhau, nên bác sĩ phải biết lắng nghe, thấu hiểu tâm lý người bệnh và người nhà bệnh nhân, dành thời gian để khám chi tiết, kỹ lưỡng, đồng thời phải hiểu quy luật, diễn biến của bệnh mới có thể điều trị hiệu quả.

Một buổi giao ban của các thầy thuốc Khoa A6. Ảnh do Khoa A6 cung cấp

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá, TS Đinh Việt Hùng, Phó chủ nhiệm Bộ môn-Khoa A6, cho biết: “Khoa A6 chúng tôi may mắn có những "tiền bối" vừa yêu nghề, lại hết sức tận tâm với bệnh nhân. Người đầu tiên là Đại tá, GS, TS Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa A6. Ông là giáo sư thứ hai và hiện là giáo sư duy nhất của ngành tâm thần học đến thời điểm hiện tại. Người thứ hai là Đại tá, PGS, TS Bùi Quang Huy, người có nhiều đóng góp trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho chuyên ngành tâm thần. Còn rất nhiều tên tuổi đáng kính từng là lãnh đạo Khoa A6, như: PGS, TS Nguyễn Sinh Phúc; PGS, TS Nguyễn Văn Ngân; PGS, TS Ngô Ngọc Tản... những người đã đặt nền móng, góp phần xây dựng thương hiệu cho Khoa A6 ngày nay”.

Kỹ thuật điều trị thành thương hiệu của Khoa A6

Theo TS Đinh Việt Hùng, xã hội càng phát triển thì con người càng dễ bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ. Đó là một trong những nguyên nhân gây nên những vấn đề về tâm thần. Người bị bệnh tâm thần dù nhẹ gia đình vẫn giấu, không đưa đến bệnh viện để thăm khám kịp thời dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nặng. Hoặc có những người có dấu hiệu bị tâm thần nhưng lại tìm đến các chuyên khoa khác do lo ngại bị kỳ thị dẫn đến việc điều trị không hiệu quả. Xã hội vẫn nhầm lẫn, cho tâm thần là “điên” và không thể chữa được.

Thượng úy, bác sĩ nội trú Nguyễn Đình Khanh thăm khám cho bệnh nhân từ nước ngoài về Việt Nam điều trị. Ảnh: HÀ VŨ 

Thực tế có hàng trăm loại bệnh tâm thần với rất nhiều triệu chứng, biểu hiện. Tại Khoa A6, một trong những phương pháp điều trị tạo nên thương hiệu của đơn vị là kỹ thuật sốc điện tiền mê. Đây là kỹ thuật có thể áp dụng được với nhiều bệnh tâm thần như: Phân liệt, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, nghiện game online, nghiện ma túy đá, nghiện cờ bạc... Kỹ thuật này đã được Khoa A6 chuyển giao đến nhiều bệnh viện tâm thần trên cả nước nhưng không nhiều bệnh viện triển khai được. Nguyên nhân do hiện nay còn ít bệnh viện có chuyên khoa tâm thần; kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có kỹ năng tốt, nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao. “Ở Khoa A6, mỗi năm chúng tôi thực hiện vài nghìn lượt sốc điện, nhiều hơn tất cả cơ sở y tế trong nước cộng lại, và đều an toàn trong 40 năm qua. Tỷ lệ khỏi bệnh, ra viện tăng lên", PGS, TS Bùi Quang Huy thông tin.

Tinh hoa hội tụ

Đến Khoa A6 lần này, tôi thực sự bất ngờ khi được gặp những bác sĩ rất trẻ. Thượng úy, bác sĩ nội trú Nguyễn Đình Khanh về công tác chính thức tại A6 được hơn một năm tâm sự: “Tôi chọn học chuyên ngành tâm thần là do được chứng kiến GS, TS Cao Tiến Đức phát hiện và điều trị cho một bệnh nhân chỉ qua điện thoại. Bệnh nhân đó đã điều trị nhiều nơi, nhiều năm mà không tiến triển. Tôi thấy thật kỳ diệu. Từ tò mò, tôi bắt đầu tìm hiểu và dần đam mê chuyên ngành này”.

Cũng giống như Thượng úy Nguyễn Đình Khanh, sự đam mê về nghề bắt nguồn từ niềm cảm phục của rất nhiều bác sĩ trẻ ở Khoa A6, như: Bác sĩ Nguyễn Thị Tám, bác sĩ Phạm Thị Thu... Sức trẻ và tinh thần nhiệt huyết cùng lòng đam mê của đội ngũ thầy thuốc Khoa A6 trở thành sức mạnh nội sinh để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện biên chế không nhiều nhưng lượng bệnh nhân đến khám, điều trị ngày càng tăng cao. Ví như, năm 2023 gần 22.000 bệnh nhân đến khám, điều trị tại Khoa; năm 2024 dự kiến khoảng 23.000 bệnh nhân. Đặc biệt, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đội ngũ thầy thuốc Khoa A6 còn trực tiếp đào tạo hàng nghìn sinh viên đại học, học viên sau đại học; viết hàng chục đầu sách về tâm thần học... PGS, TS Bùi Quang Huy không giấu được niềm tự hào: “Phần thưởng lớn nhất đối với đội ngũ thầy thuốc Khoa A6 không chỉ là được khẳng định bởi khen thưởng của các cấp mà còn là điều trị thành công cho hàng nghìn bệnh nhân, là sự tin tưởng, gắn bó của các bác sĩ trẻ với một khoa đặc thù, công việc rất đặc thù”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết