A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẵn sàng ứng phó với dịch sởi trong mọi tình huống

Ngày 27-3, đoàn công tác của Bộ Y tế do GS, TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kiểm tra công tác sàng lọc, phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân sởi trẻ em và người lớn tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Nhiều bệnh nhi chưa tiêm phòng sởi

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, TS Cao Việt Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, từ năm 2024 đến nay, Bệnh viện ghi nhận gần 2.700 ca mắc sởi đến khám và điều trị (năm 2024: 796 ca; 3 tháng đầu năm 2025: 1.894 ca). Có đến 60% ca mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến tháng tuổi được khuyến cáo tiêm chủng đã mắc sởi. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện khám, sàng lọc cho khoảng 70-90 ca mắc sởi, có ngày cao điểm hơn 100 bệnh nhân. Bệnh viện đã tiến hành phân luồng sàng lọc ngay từ phòng khám. Bệnh nhân sẽ chia 2 luồng, một luồng chuyển tuyến dưới với bệnh nhân nhẹ và một luồng tiếp nhận bệnh nhân nặng đưa sang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Nhi Trung ương. “Thời gian tới, nếu bệnh sởi tăng nhanh, Bệnh viện cũng sẽ cố gắng triển khai thu dung, điều trị, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới”, TS Cao Việt Tùng nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi tại Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: LÊ HẢO 

Để ứng phó với dịch sởi, ngay từ năm 2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã báo cáo, cập nhật tình hình ghi nhận ca bệnh sởi đến Bộ Y tế và các cơ sở y tế liên quan. Đồng thời triển khai tư vấn và tiêm vaccine chủ động cho người bệnh khám và điều trị tại Bệnh viện, phân loại và quản lý nguy cơ ở người bệnh phơi nhiễm sởi... Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cũng lo ngại số lượng nội trú đông, phòng bệnh có hạn, nhiều bệnh lý nền nặng, nguy cơ mắc sởi cao, thời gian nằm viện kéo dài, phân luồng khó do đông từ phòng khám đến đơn vị điều trị. Bên cạnh đó, biểu hiện lâm sàng sởi hiện nay không điển hình, khó nhận định, khó kiểm soát giao lưu giữa người bệnh và gia đình người bệnh...

Đại diện Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, thách thực hiện nay là nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm phòng. Khi người mẹ không tiêm phòng thì không có kháng thể bảo vệ, trẻ có nguy cơ mắc sởi cao. Do đó, cần đẩy mạnh ý thức của người dân về tiêm phòng nói chung và tiêm phòng sởi nói riêng.

Sởi ở người lớn diễn biến phức tạp

Tại Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, từ cuối năm 2024 đến nay đã khám, điều trị cho 104 bệnh nhân mắc sởi, trong đó có ghi nhận nhiều ca diễn biến nặng, có 2 ca cần thở máy xâm nhập, 1 ca ECMO đã ổn định ra viện. Có đến 75% bệnh nhân không nhớ mình có tiêm chủng hay không.

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, Bệnh viện bảo đảm nhân lực, trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc cho công tác điều trị bệnh nhân sởi. Bệnh viện Bạch Mai đã đầu tư và trang bị số hóa cho Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học Nhiệt đới cùng xây dựng đội ngũ chuyên gia cấp cứu, hồi sức và truyền nhiễm để bảo đảm cấp cứu, điều trị bệnh nhân đạt kết quả cao nhất.

Sau khi kiểm tra hai bệnh viện về công tác điều trị bệnh sởi, GS, TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến công tác phòng, chống sởi và đã ban hành hai công điện tăng cường phòng chống, bệnh sởi cũng như đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine sởi. Bộ Y tế cũng liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống bệnh sởi nói riêng (như hướng dẫn mới nhất chẩn đoán điều trị sởi). Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu phải chuẩn bị các tình huống, sẵn sàng ứng phó phù hợp với từng mức độ, quy mô để kịp thời đáp ứng với tình hình dịch bệnh trong mọi tình huống. Trường hợp bệnh sởi tiếp tục gia tăng, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương phải tính toán quy mô luân chuyển các khoa, phân luồng cách ly điều trị bệnh nhân để phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm. Bảo đảm thuốc men, vật tư y tế trong mọi tình huống khi các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh sởi nói riêng gia tăng. Cùng với đó, các bệnh viện cần bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân, thiết bị y tế, tiêm vaccine đầy đủ cho cán bộ y tế, nhân viên bệnh viện.

Trước diễn biến gia tăng về dịch bệnh sởi, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1019/QĐ-BYT "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi" áp dụng trong các bệnh viện, trong đó có hướng dẫn phân cấp khám và điều trị ngoại trú người bệnh sởi không biến chứng; chuyển tuyến đối với bệnh sởi có biến chứng, hoặc có suy giảm miễn dịch, hoặc có bệnh nền nặng hoặc khó điều trị... (Nguồn: Bộ Y tế)

HÀ VŨ


Tags: sởi
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật