A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sao bắt học sinh tiểu học phải giỏi âm nhạc?

Sự việc hy hữu diễn ra mới đây ở Trường Tiểu học Cù Chính Lan (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) khi đông đảo phụ huynh làm đơn kiến nghị và tập trung đến trường để tham gia đối thoại với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Pleiku cùng cô giáo dạy âm nhạc duy nhất của nhà trường cho 800 học sinh. Đa số phụ huynh cho rằng, cô giáo dạy âm nhạc thiếu tích cực trong giảng dạy, tinh thần gợi mở kém; xếp loại học tập của học sinh không vô tư, khách quan và không đúng chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Ở chiều ngược lại, cô giáo khẳng định bản thân đã làm hết lương tâm, trách nhiệm của nhà giáo và đánh giá khách quan, công bằng.

Sau thời gian kiểm tra, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Pleiku thông báo kết luận, chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót của cô giáo dạy âm nhạc, đồng thời yêu cầu nhà trường căn cứ vào kết luận của đoàn kiểm tra, quy định về xử lý kỷ luật viên chức, tổ chức, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.

Có lẽ, dư luận sẽ ít quan tâm nếu vụ việc chỉ đơn thuần là việc đánh giá năng lực học tập của cô đối với trò, cùng những kiến nghị của phụ huynh qua việc học tập thông thường. Tuy nhiên, dư luận chú ý bởi một môn học mang tính nghệ thuật là âm nhạc lại đặt ra yêu cầu quá cao đối với học sinh bậc tiểu học, khiến nhiều em có nguy cơ ở lại lớp. Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 26-12-2018 ban hành chương trình giáo dục phổ thông, đối với lớp 1 quy định, về nội dung hát: Bài hát tuổi học sinh (6-7 tuổi), đồng dao, dân ca Việt Nam, bài hát nước ngoài. Các bài hát ngắn gọn, đơn giản, có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc. Yêu cầu cần đạt được: Bước đầu biết hát với giọng hát tự nhiên, tư thế phù hợp; bước đầu hát đúng cao độ, trường độ; hát rõ lời và thuộc lời; bước đầu biết hát với các hình thức đơn ca, tốp ca, đồng ca; nêu được tên bài hát. Còn ở phần đọc nhạc: Giọng đô trưởng; các mẫu âm ngắn, đơn giản, dễ đọc, âm vực phù hợp với độ tuổi; chủ yếu sử dụng trường độ: Trắng, đen, móc đơn và dấu lặng đen. Yêu cầu cần đạt được: Đọc đúng tên nốt; thể hiện đúng cao độ và trường độ các mẫu âm; cảm nhận và phân biệt được âm thanh cao-thấp, dài-ngắn, to-nhỏ. Với các lớp học cao hơn thì yêu cầu càng cao.

Ảnh minh họa/ TTXVN. 

Mục tiêu giáo dục đặt ra là giúp học sinh có khả năng tự nhận xét, tham gia nhận xét; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ. Qua đó, giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục trong quá trình dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh nhằm động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh.

Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra với từng môn học, nhất là môn học mang tính nghệ thuật lại quá cao, dẫn đến mục tiêu giúp trẻ có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ là khó khả thi. Khi dựa vào những quy định như vậy, nếu giáo viên không có sự tâm huyết trong nhìn nhận dễ đánh giá lệch lạc, cảm tính làm cho học sinh sợ hãi khi tiếp xúc với các môn học.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự điều chỉnh trong đánh giá, yêu cầu đạt được ở các môn học, nhất là bậc tiểu học, bởi đó là quá trình hình thành và phát triển nhân cách; nên tăng cường giáo dục về đạo đức, lối sống, thói quen, kỹ năng sống và giảm tải với những môn học khác. Tránh để học sinh quá áp lực với việc học và “hoàn thành xuất sắc” tất cả môn học mà những việc làm cơ bản trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của cá nhân lại không thực hiện được.


Tags: học sinh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết