A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tai nạn giao thông: Lời cảnh tỉnh từ rượu, bia

Tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng rượu, bia luôn là mối lo và vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ TNGT, khiến không ít gia đình rơi vào cảnh mất người thân...

Hơn nửa năm trôi qua kể từ ngày chồng là anh Y.Ph.A. (SN 1990) ra đi mãi mãi sau vụ TNGT, chị H’Na Niê (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) vẫn còn bàng hoàng.

Hôm đó anh A. đi dự tiệc tân gia của gia đình người bạn ở huyện Krông Pắc, khi về đến địa phận huyện Cư Kuin thì xảy ra TNGT.

Chị vẫn nhớ, trước khi đi, chị dặn chồng là điều khiển xe máy thì không nên uống rượu, bia phần vì sợ công an kiểm tra, xử phạt, phần vì nguy hiểm cho bản thân và người khác. Không ngờ đó là lần nói chuyện cuối cùng của hai vợ chồng.

Vợ chồng chị cưới nhau chưa lâu, kinh tế còn khó khăn, ít đất sản xuất, không có công việc ổn định nên ai thuê gì làm nấy. Hai vợ chồng động viên nhau chăm chỉ làm ăn để lo cuộc sống hằng ngày và nuôi con ăn học. Sướng khổ, vui buồn có nhau, lại gần gũi con cái, nội ngoại nên chị cũng thấy an lòng.

Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, anh A. đã ra đi mãi mãi để lại chị và hai đứa con thơ.

Bà H'Phiêm Byă (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) nghẹn ngào khi kể về người con đã mất do tai nạn giao thông.

Ngày 13/4/2023, trên tuyến Tỉnh lộ 2 đoạn qua xã Ea Bông (huyện Krông Ana) xảy ra vụ va chạm giữa xe máy và xe tải, khiến anh Y.M.B. (SN 2003, trú xã Ea Bông) bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Nguyên nhân sau đó được xác định Y.M.B. điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có nồng độ cồn. Bà H’Phiêm Byă (mẹ của Y.M.B.) kể lại, vợ chồng bà có năm người con, Y.M.B. là con thứ tư. Trước đây, Y.M.B. đi làm công nhân cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh, cuối năm 2022, do công việc không ổn định nên trở về quê. Trước khi xảy ra vụ TNGT, bà biết con trai có uống rượu, bia với nhóm bạn bè nên khuyên con ở nhà không lái xe nhưng không được. Sau khi vụ việc xảy ra, bà cảm thấy rất ân hận vì hôm đó không cương quyết hơn, nếu bà ngăn con kịp thời chắc vụ tai nạn thương tâm đã không xảy ra.

Những đứa trẻ mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất đi đứa con đứt ruột sinh ra và dày công nuôi nấng - đó là tình cảnh đau thương mà hàng trăm, hàng nghìn gia đình có người tử nạn do TNGT đang phải gánh chịu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các vụ TNGT thương tâm, trong đó rượu, bia là một trong những tác nhân hàng đầu. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, TNGT liên quan đến rượu, bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% tổng số các trường hợp TNGT ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Người sử dụng rượu bia thường có những biểu hiện lâm sàng như đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén, giảm sự tập trung, giảm khả năng phán đoán; khi sử dụng ở mức cao có thể gây ức chế thần kinh trung ương hoặc nặng nề hơn nữa có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Đặc biệt, rượu, bia có ảnh hưởng rất lớn đến người điều khiển phương tiện giao thông. Khi trong cơ thể có nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện sẽ không kiểm soát được nhận thức và hành vi dẫn tới không làm chủ được tay lái, có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, không đảm bảo an toàn, không chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Từ đó dễ dẫn đến tự gây tai nạn như tông vào dải phân cách, gốc cây, trụ điện, các xe khác đang dừng, đỗ hoặc lưu thông trên đường... Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có nồng độ cồn gây ra ngày càng tăng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết