A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP. Hồ Chí Minh: Cuối năm, hàng loạt mặt bằng “chật vật” tìm khách thuê

Mặc dù đang là dịp cao điểm mua sắm cuối năm, nhiều mặt bằng ở TP. Hồ Chí Minh vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê.

Dịp cuối năm thường là thời điểm "vàng" cho các hoạt động kinh doanh, mua sắm tại TP. Hồ Chí Minh - nơi thị trường luôn sôi động và nhộn nhịp. Thế nhưng, trái với kỳ vọng của nhiều người, tình hình cho thuê mặt bằng lại không mấy khả quan. Dù đã bước vào giai đoạn cao điểm cuối năm, hàng loạt mặt bằng tại các tuyến đường lớn vẫn trong tình trạng bỏ trống, khó tìm được khách thuê.

Mặt bằng tại đường Paster (quận 1) vẫn trống khách thuê
Mặt bằng tại đường Paster (Quận 1) vẫn trống khách thuê.

Tại quận 1, những con phố sầm uất như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Paster, Hàn Thuyên, Nguyễn Du từng là biểu tượng của sự sôi động, nay tràn ngập các tấm biển cho thuê mặt bằng.

Chị Nguyễn Phương Thảo (chủ cho thuê mặt bằng trên đường Pasteur, quận 1) cho biết: "Đầu tháng 6 năm nay, khách thuê của tôi trả lại mặt bằng do kinh doanh cửa hàng mỹ phẩm không thuận lợi. Sau khi nhận lại mặt bằng, tôi đã quảng cáo và giảm giá nhưng đến nay vẫn chưa có người thuê".

TP. Hồ Chí Minh: Cuối năm, hàng loạt mặt bằng “chật vật” tìm khách thuê
Một mặt bằng tại ngã tư đường Paster giao với đường Lý Tự Trọng (quận 1).

Không những mặt bằng của chị Thảo mà nhiều mặt bằng xung quanh quận 1, quận 3 như tuyến đường Lê Lai, Lê Lợi, Đồng Khởi, Cách Mạng Tháng 8... hiện vẫn để trống. Giá thuê những mặt bằng này vẫn rất cao, dao động từ 4.500 - 45.000 USD/tháng (tương đương từ 100 triệu - 1 tỷ đồng/tháng) tùy diện tích, vị trí.

Mặt bằng tại đường Hàn Thuyên bị trả mặt bằng do giá cho thuê đắt đỏ
Mặt bằng tại đường Hàn Thuyên bị trả lại do giá cho thuê đắt đỏ.

Sau hơn 3 tháng hãng cà phê Mỹ - Starbucks trả mặt bằng, tại địa chỉ số 11-13 Hàn Thuyên vẫn đang chờ chủ mới đến thuê. Nơi đây có vị trí đắc địa khi nằm đối diện công viên 30/4 và cách không xa nhà thờ Đức Bà. Được biết, Starbucks Việt Nam thuê mặt bằng trên với giá 700 triệu đồng/tháng. Nhiều nguồn tin cho biết, hiện, chủ nhà đang rao giá thuê mới là 30.000 USD/tháng, khoảng 757 triệu, tức khoảng 9 tỷ đồng/năm.

Tình trạng ế ẩm này không chỉ diễn ra tại khu vực trung mà còn lan sang các quận ven thành phố. Nhiều mặt bằng nằm ở các vị trí đẹp nhưng vẫn trong tình trạng bỏ không, dù đã qua nhiều tháng tìm kiếm khách thuê. Sự vắng vẻ bất thường của thị trường mặt bằng kinh doanh khiến không ít chủ nhà lo lắng.

Chị Hoàng Mai, một chủ nhà sở hữu mặt bằng tại đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, cho biết: “Trước đây, tôi cho thuê với giá 60 triệu đồng mỗi tháng. Hiện tại, tôi đã giảm xuống còn 50 triệu đồng nhưng vẫn chưa có ai thuê. Mặt bằng đã bỏ trống suốt gần 4 tháng nay. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tôi buộc phải giảm giá thêm hoặc chấp nhận cho thuê ngắn hạn”.

Hai mặt bằng nằm trên đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh) cũng chịu cảnh đợi khách thuê.
Hai mặt bằng nằm trên đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh) cũng chịu cảnh đợi khách thuê.

Anh Trần Đức Chung, làm nghề môi giới khu vực các quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh, cho biết, càng về cuối năm, tình trạng hộ kinh doanh trả mặt bằng nhiều hơn so với thời điểm giữa năm, đặc biệt với các ngành kinh doanh thời trang, quán cà phê, ăn uống.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn này khá đa dạng. Trước hết, kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19. Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần trở lại bình thường, nhưng hậu quả để lại vẫn còn rất nặng nề. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô do không đủ sức trụ lại thị trường. Hệ quả là nhu cầu thuê mặt bằng giảm mạnh, nhất là ở các phân khúc giá cao.

Sự phát triển của Thương mại điện tử khiến các
Sự phát triển của thương mại điện tử khiến nhu cầu thuê mặt bằng giảm sút đáng kể.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường mặt bằng cho thuê là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, đặc biệt sau giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài. Nhiều doanh nghiệp, thay vì mở cửa hàng truyền thống, đã chuyển sang kinh doanh online để tiết kiệm chi phí vận hành. Điều này khiến nhu cầu thuê mặt bằng giảm sút đáng kể, nhất là với các loại hình kinh doanh bán lẻ truyền thống.

TP. Hồ Chí Minh: Cuối năm, hàng loạt mặt bằng “chật vật” tìm khách thuê
Văn phòng cho thuê trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh).

Ngoài ra, mặc dù giá thuê đã giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng tài chính của nhiều hộ kinh doanh nhỏ. Tại các khu vực trung tâm, giá thuê mặt bằng vẫn duy trì ở mức khá cao, khiến nhiều người có nhu cầu phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thuê. Bên cạnh đó, thị hiếu tiêu dùng cũng có sự thay đổi rõ rệt. Ngày nay, người dân có xu hướng thích mua sắm tại các trung tâm thương mại, nơi tích hợp nhiều tiện ích và không gian hiện đại hơn là những cửa hàng mặt phố nhỏ lẻ. Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho các mặt bằng kinh doanh truyền thống.

Dù đang trong mùa cao điểm cuối năm, thị trường mặt bằng cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, với sự linh hoạt của các chủ nhà và sự phục hồi dần của nền kinh tế, thị trường này có thể khởi sắc vào dịp Tết. Việc các chủ thuê cần phải định hướng lại nhu cầu, giảm chi phí cho thuê và cân nhắc lợi ích đôi bên là "chìa khóa" để giải quyết tình trạng “chật vật” tìm khách thuê, góp phần ổn định thị trường bất động sản cho thuê trong thời gian tới.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật