A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng năm 2024 ước đạt 4.665 USD/tấn, tăng 45%

7 tháng đầu năm 2024, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước đạt 4.665 USD/tấn, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Bắt bệnh" nguyên nhân giá tiêu tháng 7 tăng không như kỳ vọng

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), quý II/2024, giá tiêu đen tại thị trường nội địa liên tục tăng, ghi nhận mức cao kỷ lục mới. Theo đó, giá tiêu trong nước đã tăng khoảng 93% so với đầu năm và gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng tăng giá tiếp tục diễn ra trong tháng 7/2024 do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung hạn chế.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm ước đạt 4.665 USD/tấn, tăng 45%
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm ước đạt 4.665 USD/tấn, tăng 45%

Ngày 29/7/2024, giá tiêu đen tại thị trường nội địa tăng 4.000 – 6.000 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 28/6/2024. Cụ thể, giá tiêu đen tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước và Đắk Lắk cùng tăng 4.000 đồng/kg, lên mức 149.000 – 150.000 đồng/kg; tại các tỉnh Đắk Nông và Bà Rịa Vũng Tàu, giá tăng 5.000 đồng/kg, lên mức 149.000 – 150.000 đồng/kg; tại tỉnh Đồng Nai, giá tăng 6.000 đồng/kg, lên mức 150.000 đồng/kg. Giá tiêu trắng ở mức 199.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg so với cuối tháng 6/2024 và cao hơn so với mức giá 101.000 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), mức tăng giá tiêu tại thị trường nội địa không như kỳ vọng do nhu cầu thấp từ thị trường Trung Quốc. Hiện giá hồ tiêu tại thị trường Trung Quốc đang thấp hơn giá tại Việt Nam có thể là nguyên nhân chính của việc hạn chế nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, theo ước tính, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 7/2024 đạt mức 5.272 USD/tấn, tăng 13,2% so với tháng 6/2024 và tăng 53,5% so với tháng 7/2023. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 4.665 USD/tấn, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu trong quý II/2024 đạt gần 80,65 nghìn tấn, trị giá 375,38 triệu USD, tăng 41,9% về lượng và tăng 59,1% về trị giá so với quý I/2024, tăng 5,3% về lượng và tăng 50,1% về trị giá so với quý II/2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt xấp xỉ 141,4 nghìn tấn, trị giá 629,86 triệu USD, giảm 7,4% về lượng, nhưng tăng 30,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Về khu vực thị trường xuất khẩu, quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang tất cả các châu lục tăng so với quý I/2024 và quý II/2023. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu hồ tiêu sang tất cả các châu lục đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 2 đến 3 con số. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sang hầu hết các châu lục tăng, ngoại trừ châu Đại Dương.

Quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sang tất cả các thị trường truyền thống tăng so với quý I/2024. So với quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của nước ta sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của nước ta sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Đức ghi nhận mức tăng lên đến 3 con số.

Quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu tất cả các chủng loại hồ tiêu tăng so với quý I/2024 và so với quý II/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đen tăng 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 445 triệu USD; hồ tiêu đen xay tăng 55,4%, đạt 87 triệu USD.

Giá tiêu sẽ tiếp tục tăng trong trung và dài hạn

Trên thị trường thế giới, quý II/2024, giá tiêu thế giới tăng “đột biến” trong khoảng 20 ngày đầu tháng 6/2024, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu trong bối cảnh sản lượng dự báo giảm tại Việt Nam và Brazil, trong khi nhu cầu từ Hoa Kỳ và châu Âu đang tăng trở lại. Bước sang tháng 7/2024, giá tiêu thế giới dù giảm tại một số nước sản xuất như Việt Nam, Brazil, nhưng vẫn duy trì ở mức cao.

Nguồn cung hồ tiêu toàn cầu được bổ sung khi Indonesia bước vào vụ thu hoạch, bắt đầu từ tháng 7. Tuy nhiên, Brazil, quốc gia sản xuất hồ tiêu đen lớn thứ 2 thế giới, đang đối mặt với tình trạng mất mùa liên tục do hạn hán.

Theo nhận định của giới chuyên gia, dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu sẽ tiếp tục được ghi nhận trên thị trường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á cũng tác động đến giá cả ở các thị trường nhập khẩu, và có thể gây ra sự chậm trễ vận chuyển, khiến giá tăng trong trung và dài hạn.

Dự báo, ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá trong thời gian tới do nguồn cung khan hiếm. Điều này cũng có thể mở ra cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần, củng cố vị thế hơn nữa tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật