A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hải Phòng: Đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc các huyện đảo

Thời gian qua, Sở Công Thương Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm cho bà con dân tộc thiểu số tại các huyện đảo.

Thành phố Hải Phòng là 1 trong 5 thành phố, đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, trên địa bàn thành phố hiện có 15 quận, huyện, trong đó có 02 huyện đảo là huyện Cát Hải và huyện Bạch Long Vĩ. Tại Hải Phòng có một số dân tộc thiểu số như người Đãn, người Sín thuộc nhóm Hoa ở 2 huyện đảo này, đồng thời có một số dân tộc thiểu số sinh sống tại huyện Thuỷ Nguyên...

Hải Phòng: Đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc các huyện đảo
Chợ Cát Bà là nơi giao thương, buôn bán, tiêu thụ hàng hoá cho bà con dân tộc thiểu số nói riêng và bà con huyện đảo Cát Hải nói chung (Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng)

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng chia sẻ, những năm qua hoạt động hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, ngành Công Thương đã chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương như: Hỗ trợ triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn tổ chức các Hội nghị, hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương, trong đó có bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương tổ chức xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Đáng chú ý, Sở Công Thương Hải Phòng đã tích cực phối hợp với các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, đặc biệt là Vụ Thị trường trong nước, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh/thành phố, các Sở, ngành địa phương, đơn vị để triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương nhằm kích cầu tiêu dùng ở khu vực đặc thù này.

Tổ chức kết nối tiêu thụ hàng hoá giữa các doanh nghiệp Hải Phòng với các doanh nghiệp của các tỉnh/thành phố trong cả nước; hỗ trợ đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, số lượng vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố và ngược lại như: Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Giang, Kon Tum, Tây Ninh... Điểm đáng mừng là các sản phẩm, hàng hoá đó được người tiêu dùng thành phố Hải Phòng tin dùng.

Ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ, hạ tầng thương mại, đặc biệt là các chợ, điểm bán hàng tại các huyện đảo rất quan trọng, ngành Công Thương đã quan tâm đến việc xây dựng hạ tầng thương mại tại 02 huyện đảo. Đến nay, đã hình thành phương thức kinh doanh mua sắm như chợ, các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích tiện lợi; trên 28 lượt cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ tham dự Hội nghị kết nối cung cầu, Hội nghị xúc tiến thương mại, Hội chợ triển lãm của các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.

Năm 2022 và 10 tháng đầu năm 2023 tại các huyện đảo đã tổ chức được 06 phiên chợ với quy mô mỗi phiên chợ 25 gian hàng của trên 30 doanh nghiệp tham dự, thu hút trên 1.500 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu mỗi phiên chợ từ 1,5 - 2,5 tỷ đồng. Các phiên chợ không chỉ mang lại doanh thu mà còn góp phần đưa hàng hoá của khắp các địa phương trên cả nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện đảo. Thành phố còn xây dựng được 01 mô hình điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt” tại huyện Cát Hải. Đây là điểm bán rất quan trọng vì vừa giúp đưa hàng hoá của bà con tại huyện đảo đến với khách du lịch, vừa đưa hàng hoá từ đất liền ra với bà con.

Bên cạnh đó, tuần lễ Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng năm 2023 được tổ chức mới đây thu hút trên 200 doanh nghiệp với 220 gian hàng tham gia. Đây là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại và các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki... tìm hiểu, trao đổi, nắm bắt thông tin nhu cầu, thị hiếu, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng, phục vụ cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Thời gian tới, Sở Công Thương Hải Phòng sẽ chú trọng vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực triển khai chương trình đưa hàng hoá về khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo của thành phố, ngày càng kéo gần hơn đời sống, thu nhập của bà con huyện đảo và đất liền.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết