Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hợp tác kinh tế, thương mại mang lại lợi ích thực chất

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh.

Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực hai năm qua chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và những biến động địa-chính trị trên thế giới, song quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và là một trong những điểm sáng trong quan hệ song phương. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với quy mô đạt 55,9 tỷ USD.

Lô sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đầu tiên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại sản xuất Long Thủy. (Ảnh: TTXVN) 

Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN từ năm 2016 và lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc vào năm 2020. Có nhiều yếu tố khiến cho mối quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển, đó không chỉ là lợi thế của hai nước láng giềng, mà quan trọng là môi trường đầu tư tại hai nước đang có nhiều thuận lợi. Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước là rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...

Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Mặt hàng sầu riêng là loại quả thứ 10 được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Cùng với đó, theo dự báo, trong thời gian ngắn sắp tới, Trung Quốc sẽ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của cà phê Việt Nam. Nếu tìm được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc thì dư địa phát triển cho nông sản nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung là rất lớn. Ví dụ, giá trị nhập khẩu năm 2021 của Trung Quốc chỉ với quả sầu riêng đã là hơn 4,2 tỷ USD. Việc nằm sát cạnh Trung Quốc mang lại cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam so với các nước khác trong khu vực ASEAN.

Ở lĩnh vực đầu tư, Việt Nam cũng là một thị trường hấp dẫn đối với doanh nghiệp Trung Quốc, vì Trung Quốc xem ASEAN là trọng điểm về thương mại và đầu tư, trong khi Việt Nam là nền kinh tế năng động, mạnh hàng đầu ASEAN. Hiện Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đến nay đạt 22,5 tỷ USD. Đang có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hào hứng tìm hiểu để đầu tư vào Việt Nam. Lý do bởi, môi trường đầu tư của Việt Nam đang được cải thiện tích cực, thủ tục hành chính giải quyết nhanh gọn hơn, pháp luật đầu tư ngày càng hoàn thiện, cơ sở hạ tầng ngày càng tốt, việc ký nhiều hiệp định thương mại tự do cũng mang lại những lợi thế cho hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Bên cạnh đầu tư xây dựng nhiều trung tâm logistics, mở rộng, nâng cấp các cửa khẩu, Trung Quốc đã mở nhiều tuyến đường sắt từ nhiều tỉnh, thành phố đi Việt Nam để tăng cường trao đổi hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển giữa hai nước.

Muốn biến các cơ hội thành hiện thực, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tìm hiểu sâu, kỹ hơn nữa về thị trường Trung Quốc, nắm bắt nhu cầu để kịp thời cung ứng. Đặc biệt, hiện nay, khi Trung Quốc ngày càng yêu cầu cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm thì doanh nghiệp và nông dân sản xuất nông sản Việt Nam càng phải nâng cao chất lượng ở tất cả các khâu, giữ uy tín với đối tác.

Như thế có thể thấy, ngày càng xuất hiện những cơ sở để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại quan trọng, mang lại lợi ích thực chất cho người dân và doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Trung Quốc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật