A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lạc Dương: Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các địa phương tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã , chủ thể sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, phát triển giao thương.

Rau xà lách thủy canh - một sản phẩm có nhiều tiềm năng để xuất khẩu của huyện Lạc Dương

Rau xà lách thủy canh - một sản phẩm có nhiều tiềm năng để xuất khẩu của huyện Lạc Dương

Huyện Lạc Dương là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm đa đạng, không chỉ phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu. Mới đây, vào đầu tháng 11/2022, đoàn công tác huyện Lạc Dương cũng đã có chuyến tham quan, xúc tiến thương mại tại thành phố Yachiyo, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp hai địa phương với sự tham gia của 10 doanh nghiệp tại thành phố Yachiyo, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản và 5 doanh nghiệp của huyện Lạc Dương. 

Tại buổi đối thoại, huyện Lạc Dương cũng đã trưng bày và giới thiệu đến các quan khách, doanh nghiệp về các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, sản phẩm đạt OCOP của huyện Lạc Dương như nấm hương sấy khô, khoai lang sấy, trà atiso, các loại rau, củ, quả đặc trưng… Trong đó, các sản phẩm như nấm hương sấy khô được chế biến dưới dạng snack, trà atiso, khoai lang sấy được phía các doanh nghiệp đánh giá rất cao, có thể hợp tác, xúc tiến thương mại trong tương lai gần. Riêng các sản phẩm rau, củ, quả tươi thì cần phải có phương án chế biến sâu mới có thể đưa vào thị trường này. 

Là một trong số các doanh nghiệp của huyện Lạc Dương trong chuyến đi cùng đoàn công tác, ông Tô Quang Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc cho biết, tiềm năng để xuất khẩu các loại rau, củ, quả của huyện Lạc Dương sang thị trường tỉnh Ibaraki là khá sáng sủa, dưới dạng sấy khô hoặc cấp đông theo hình thức chế biến cắt, thái nhỏ theo mẫu mã của các đối tác. Một thuận lợi nữa là trong chuyến công tác này, Hội trưởng Người Việt Nam tại thành phố Yachiyo cũng đang có một chuỗi cửa hàng mini mart. Do đó, họ sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp Lạc Dương đưa hàng hóa qua để bày bán. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp huyện Lạc Dương đẩy mạnh kết nối giao thương, qua đó đặt nền móng cho sản phẩm nông sản của huyện từng bước chiếm lĩnh thị trường tỉnh Ibaraki và mở rộng trong tương lai. 

Tuy nhiên, thành phố Yachiyo, tỉnh Ibaraki cũng là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với giá thành rất cạnh tranh, thấp hơn nhiều so với các thành phố lớn khác của Nhật Bản. Do đó, trong tương lai, nếu các doanh nghiệp Lạc Dương tiếp cận được thị trường này thì bài toán đặt ra là phải làm sao sản xuất dưới dạng hàng hóa, giảm giá thành đầu vào để tăng sự cạnh tranh. 

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương, hiện, toàn huyện có 22 hợp tác xã nông nghiệp với 221 thành viên tham gia và 36 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 638 thành viên trên tổng diện tích canh tác 93.31 ha. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện duy trì 2 mô hình kinh tế trang trại trồng trọt đang hoạt động với tổng diện tích là 8 ha, chủ yếu là sản xuất rau, củ, quả. 

Đến nay, huyện Lạc Dương đã có 28 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; trong đó, có 12 sản phẩm đạt 3 sao và 16 sản phẩm đạt 4 sao. Toàn bộ các sản phẩm OCOP được trưng bày tại Trung tâm OCOP huyện Lạc Dương; đồng thời phối hợp với Viettel post cung cấp danh sách các đơn vị có sản phẩm OCOP để giới thiệu và bán trên sàn thương mại điện tử trang bán hàng Voso, VNPT shop... Các chủ thể của sản phẩm OCOP vẫn đang tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm, tập trung vào sản xuất khai thác, phát triển sản phẩm ngày càng hoàn thiện.

Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết, với thế mạnh về số lượng và chất lượng các mặt hàng nông sản, huyện Lạc Dương luôn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP, giúp người dân hiểu rõ về lợi ích, sự cần thiết khi tham gia. Qua đó, thay đổi dần tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết, hợp tác và phát huy lợi thế của địa phương. 

Hiện, trên địa bàn huyện Lạc Dương đã thành lập 1 Câu lạc bộ OCOP với 16 thành viên tham gia; đồng thời, giao cho Câu lạc bộ OCOP vận hành Trung tâm Trưng bày sản phẩm OCOP tại Lạc Dương. Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ 1 gian hàng trưng bày bán các sản phẩm OCOP tại thành phố Bảo Lộc. Ngoài ra, Lạc Dương còn hỗ trợ cho các đơn vị tham gia nhiều đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh như Đà Lạt, Đồng Tháp, Gia Lai, Sơn La… Qua đó, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định đầu ra cho người sản xuất tại địa phương; đồng thời tăng cường tính hợp tác và liên kết giữa các vùng, miền trên toàn quốc. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết