A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Nam đẩy mạnh kết nối cung cầu, xuất khẩu sản phẩm OCOP

Từ việc kết nối, xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP Quảng Nam đã và đang đến với thị trường trong và ngoài nước một cách hiệu quả.

Hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng 5 năm qua, tỉnh Quảng Nam vẫn dành nguồn lực khá lớn hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, chỉ tính riêng trong 3 năm 2021 - 2023, bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh chi khoảng 11-12 tỷ đồng cho ngành liên quan và chính quyền các địa phương triển khai chương trình theo cơ chế hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 07 (ngày 13/1/2021) của HĐND tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, đến tháng 11/2023, tỉnh Quảng Nam đã đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho 364 sản phẩm OCOP; trong đó, có 306 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4. Cấp huyện Quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023 cho 51 sản phẩm (gồm 36 sản phẩm mới và 15 sản phẩm công nhận lại).

Quảng Nam đẩy mạnh kết nối cung cầu, xuất khẩu sản phẩm OCOP
Quảng Nam thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương

Trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức, tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh; ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Cao Bằng... và nước ngoài (Thượng Hải, Giang Tô - Trung Quốc). Tỉnh thường xuyên kết nối thông tin kịp thời các hoạt động xúc tiến thương mại ngoài tỉnh cho các chủ thể OCOP đăng ký tham gia.

“Việc liên kết tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giữa các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị có cơ hội quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đối tác, tăng cường kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, tập trung vào các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm chủ lực của từng tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị nắm được tình hình cung - cầu thị trường, thị hiếu khách hàng, tiêu chuẩn sản phẩm để có chiến lược cải tiến, đầu tư sản xuất phù hợp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định và phát triển”, ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Thời gian qua, một số sản phẩm OCOP Quảng Nam không chỉ tiêu thụ trong nước mà bước đầu hướng đến xuất khẩu, nhất là các thị trường trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.

Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, hỗ trợ kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm OCOP vào thị trường Trung Quốc được Quảng Nam xác định là nội dung trọng tâm, giải pháp quan trọng trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, từ đó góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo thu nhập cho người dân.

Quảng Nam đẩy mạnh kết nối cung cầu, xuất khẩu sản phẩm OCOP
Doanh nghiệp OCOP Quảng Nam kết nối với đối tác, khách hàng Trung Quốc.

“Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP luôn được ngành Công Thương chú trọng từ phát triển, nâng cấp điểm bán hàng OCOP tại các địa phương đến bán sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chế biến, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, an toàn thực phẩm, qua đó giúp tăng cường quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, bền vững”, ông Minh thông tin.

Trong năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông qua nhiều hình thức và nhiều kênh thông tin để mọi người, mọi nhà đều hiểu và hiểu đúng về Chương trình OCOP. Chú trọng hỗ trợ nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, bao bì sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ phát triển sản phẩm hướng đến nâng cao chất lượng, an toàn; chú trọng và ưu tiên lồng ghép các nguồn kinh phí để triển khai các nội dung liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được công nhận, xây dựng thương hiệu OCOP. Đồng thời, tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các sự kiện văn hóa, hoạt động du lịch do Trung ương, địa phương, các đơn vị có liên quan tổ chức. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn đối tác OCOP để kết nối cung cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử trong việc tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hàng hóa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết