A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau khi tăng vọt, giá xuất khẩu cà phê bất ngờ lao dốc

Giá hai mặt hàng cà phê bất ngờ quay đầu sụt giảm, lần lượt 3,98% với Arabica, xuống còn 5.049,68 USD/tấn và 3,95% với Robusta, xuống còn 4.187 USD/tấn.

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kể từ đầu tuần này, thị trường cà phê liên tục biến động. Sau phiên tăng vọt, đóng cửa ngày hôm qua, giá hai mặt hàng cà phê bất ngờ quay đầu sụt giảm, lần lượt 3,98% với Arabica, xuống còn 5.049,68 USD/tấn và 3,95% với Robusta, xuống còn 4.187 USD/tấn.

Sau khi tăng vọt, giá xuất khẩu cà phê bất ngờ lao dốc

Giá xuất khẩu cà phê ngày 13/8

Tình hình sương giá tại Brazil đã tạm kết thúc khiến tâm lý lo ngại - nguyên nhân chính đẩy giá tăng trong phiên hôm qua biến mất. Thực chất, sương giá chỉ xảy ra vào cuối tuần trước nhưng chưa có tác động nào đáng kể đến nguồn cung cà phê hiện tại. Hoạt động thu hoạch tại Brazil gần như xong với 90% diện tích đã hoàn tất. Một số cây cà phê tại các vùng sương giá bị hỏng lá nhưng diện tích không lớn. Hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của đợt sương giá hiện tại có thể làm giảm nguồn cung các vụ tiếp theo hay không.

Dù vậy, thị trường vẫn còn nhiều thông tin cơ bản mang tính hỗ trợ đối với giá. Công ty tư vấn Safras&Mercado cho biết, doanh số bán cà phê của các nhà sản xuất Brazil đạt 40% tổng dự kiến ​​cho niên vụ 2024-2025, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (41%) và dưới mức trung bình của 5 năm qua là 47%.

Ngoài ra, vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 của Brazil dự kiến ​​đạt 63,3 triệu bao loại 60 kg, so với 65,7 triệu bao ước tính trước đó, do thời tiết khô hơn bình thường đã ảnh hưởng đến sản xuất, theo HedgePoint Global Markets.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (14/8), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ diễn biến đồng pha với giá thế giới khi bất ngờ giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với hôm qua, hiện ở mức từ 118.000 đồng/kg đến 118.500 đồng/kg. 

Sau khi tăng vọt, giá xuất khẩu cà phê bất ngờ lao dốc

Xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục 5 tỷ USD trong năm nay

Theo các chuyên gia của Đại học RMIT, sản xuất cà phê Việt Nam ngày càng bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài và nhiệt độ tăng cao với hậu quả là năng suất giảm và chất lượng cây trồng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn đáng kể do tình trạng thiếu container và tắc nghẽn cảng, khiến các chuyến hàng bị trì hoãn và chi phí tăng cao. TS. Majo George, giảng viên cấp cao ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics của Đại học RMIT nhận định, những rào cản về logistics khiến cà phê Việt Nam khó tiếp cận thị trường quốc tế đúng thời hạn, ảnh hưởng đến năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường của doanh nghiệp xuất khẩu.

Hơn nữa, ngành cà phê Việt Nam còn phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá phân bón và nhân công tăng. Giá cà phê trong nước tăng mang lại lợi ích cho người dân sản xuất và nuôi trồng nhưng lại gây áp lực tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Rõ ràng, những thách thức nêu trên và môi trường kinh tế thế giới đầy biến động đòi hỏi ngành cà phê phải có sự linh hoạt và chủ động để thiết lập chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Theo các chuyên gia, ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến ​​canh tác bền vững để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê. Đồng thời cần có các chương trình đào tạo để người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững cũng như nỗ lực thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài để chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Không chỉ ngành cà phê, những vấn đề trên cần được áp dụng cho tất cả sản phẩm nông nghiệp định hướng xuất khẩu bởi càng nâng cao chất lượng thì càng tăng mức độ phòng thủ trước những rủi ro kinh tế, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 76.982 tấn, trị giá 381,2 triệu USD, giảm 29,3% về lượng nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng vừa qua đạt kỷ lục 4.951 USD/tấn, tăng 7,8% so với tháng trước và tăng tới 75,1% (tương đương 2.123 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 7 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cà phê tăng 52,3% lên mức bình quân 3.682 USD/tấn. Nhờ đó, sản lượng xuất khẩu mặc dù giảm 12,4% so với cùng kỳ, nhưng giá trị thu về vẫn tăng 33,5%, đạt 979.353 tấn, trị giá 3,6 tỷ USD.

Với những yếu tố thuận lợi về giá, ngành cà phê được kỳ vọng có thể mang về kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 5 tỷ USD trong năm nay.

Việt Nam vẫn luôn là quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu đến thị trường cà phê thế giới, đặc biệt là cà phê Robusta. Nhưng mức độ tác động có thể khác nhau, đặc biệt có tính mùa vụ. Do đó, các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể dựa vào yếu tố này để có chiến lược mua bán hợp lý và làm chủ thị trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết