Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tránh bị lừa trong giao dịch thương mại quốc tế

Vụ việc 5 container gồm hồ tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi trị giá hơn 500.000USD (hơn 12 tỷ đồng) của 4 doanh nghiệp Việt Nam đang có nguy cơ mất trắng tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) do gian lận thương mại một lần nữa cho thấy những rủi ro trong thương mại quốc tế.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp xuất khẩu đã phải đối diện với nguy cơ bị lừa gạt, chịu thiệt hại về tài sản, hàng hóa khi chủ quan và thiếu hiểu biết về đối tác của mình trong các giao dịch xuyên biên giới.

Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất 5 container gồm hồ tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi tới cảng Jebel Ali (Dubai, UAE). Đến thời điểm này, có 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container điều, tổng trị giá khoảng 400.000USD. Một lô hàng hoa hồi đã cập cảng Jebel Ali trị giá 126,3 nghìn USD nhưng bộ chứng từ gốc cũng đã bị mất.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Theo quy định trong hợp đồng, tất cả các lô hàng nêu trên được thanh toán theo điều khoản thanh toán nhờ thu (D/P). Với quy trình thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam sau khi làm thủ tục xuất khẩu sẽ gửi bộ chứng từ gốc đến ngân hàng của người bán tại Việt Nam. Ngân hàng tại Việt Nam có trách nhiệm chuyển bộ chứng từ này cho ngân hàng của bên mua. Sau đó bên mua sẽ thanh toán cho ngân hàng của bên mua. Sau khi ngân hàng bên mua nhận đủ số tiền sẽ đồng thời chuyển tiền sang ngân hàng bên bán. Khi đó, ngân hàng của bên mua mới được phép giao bộ chứng từ gốc cho bên mua để nhận hàng. Nhưng vấn đề xảy ra là khi bộ chứng từ gốc tại Việt Nam chuyển qua UAE đã "không cánh mà bay", hàng đã lấy ra khỏi cảng mà chưa được thanh toán.

Ngay sau khi nhận được thông báo về vụ việc, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo hỗ trợ, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để giải quyết vụ việc một cách hiệu quả nhất. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương sớm xử lý vụ việc nêu trên. Trước mắt, đề nghị phía UAE áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ 1 container hoa hồi của doanh nghiệp Việt Nam tại cảng Jebel Ali.

Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, hiện nay, tình trạng lừa đảo tại một số thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ. Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với các công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất. Cụ thể, với thanh toán TT trả sau, bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán.

Với phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố, theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước. Bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ 3. Phương thức thanh toán D/P có mức độ an toàn hơn so với thanh toán TT và séc, nhưng lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải bảo đảm an toàn. Tránh trường hợp sai sót trong khâu giao chứng từ và nhận chứng từ (nhân viên an ninh ngân hàng) không có ký nhận.

Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, từ vụ việc này, Bộ Công Thương kiến nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, những trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường... 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật