A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để sản phẩm OCOP tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng

Nhờ đạt chứng nhận là sản phẩm OCOP, doanh thu của nhiều doanh nghiệp cải thiện đáng kể song để có đầu ra bền vững hơn, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Bán dễ hơn vì được siêu thị ưu ái

6 tháng đầu năm 2024 doanh thu từ bán các thực phẩm chế biến của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cà Mèn đạt 5 tỉ đồng, trong số này nhóm sản phẩm OCOP đang chiếm 60%.

“Năm 2023, chúng tôi đạt chứng nhận OCOP cho 3 sản phẩm gồm miến lươn, bún lươn xào nghệ, bánh canh cá lóc. Việc gắn sao OCOP đã giúp chúng tôi dễ dàng tiếp cận những kênh bán lẻ như Ân Nam, Farmers Market, Co.opmart… từ đó giúp sản phẩm được quảng bá rộng rãi hơn đến người tiêu dùng trên cả nước”, anh Lê Trọng Đôn - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cà Mèn, cho biết.

Để sản phẩm OCOP tạo ấn tượng với người tiêu dùng
Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của Xuân Nguyên có doanh thu tốt hơn trong 6 tháng đầu năm 2024

Giống như Cà Mèn, Công ty CP tập đoàn Xuân Nguyên hiện có 6 sản phẩm đã được công nhận OCOP 3-4 sao, anh Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc công ty này , chia sẻ: Nhóm sản phẩm đạt chuẩn OCOP hiện chiếm tới 35% trong tổng doanh thu của Xuân Nguyên. Điều đáng mừng hơn, trong khi doanh thu của nhóm sản phẩm chưa có chứng nhận OCOP có phần sụt giảm thì riêng nhóm sản phẩm OCOP gồm mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ viên đen, mật ong nhân sâm, tinh bột nghệ vàng vẫn giữ ổn định, thậm chí có phần tăng nhẹ.

“Để đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm của chúng tôi phải trải qua nhiều bước đánh giá khắt khe, riêng sản phẩm OCOP hạng từ 4 sao trở lên phải có những chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến như: VietGAP, HACCP, ISO... Chính vì vậy, khi có chứng nhận OCOP rồi việc gia nhập các kênh bán lẻ như Co.opmart, Satra hay MM Mega Market… cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, các kênh bán lẻ còn dành riêng quầy kệ giới thiệu về sản phẩm và chúng tôi cũng không phải lo việc doanh số thấp sẽ bị loại khỏi siêu thị”, anh Vũ cho biết.

Theo thống kê, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 6/2024, cả nước đang có 13.368 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và có 46% chủ thể OCOP đạt tăng trưởng về sản phẩm cũng như doanh thu trong thời gian qua bất chấp đại dịch Covid-19. Trong đó, tỷ lệ tăng doanh thu của các chủ thể này đạt khoảng 29,7%.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh mặt tích cực, không phải sản phẩm nào cũng tìm được “đầu ra” hiệu quả. Nguyên nhân do các chủ thể OCOP đa phần là doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ, DN khởi nghiệp… nên việc tiếp cận công nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu còn yếu.

Điển hình như TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố, đến đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố có 191 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Tuy nhiên, khi được hỏi “đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm có dễ bán hơn không?”, nhiều DN lắc đầu. Theo họ, có một nghịch lý là người biết đến sản phẩm OCOP đa số là DN làm thực phẩm, cán bộ ban ngành, còn nhiều người tiêu dùng không biết OCOP là gì và DN phải giải thích thêm cho họ hiểu.

Để sản phẩm OCOP tạo ấn tượng với người tiêu dùng
Siêu thị ưu tiên quầy hàng trưng bày cho nhóm sản phẩm OCOP

Chung tay tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP

Trong nỗ lực giúp sản phẩm OCOP tạo ấn tượng với người tiêu dùng, ông Võ Trần Ngọc - Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op, cho biết, sản phẩm OCOP khi được vào hệ thống Co.opmart, Co.opXtra… sẽ được chúng tôi hỗ trợ và ưu tiên các các vị trí đắc địa nhất trong siêu thị. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ thông qua các bảng biểu chỉ dẫn, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, cụ thể như hoạt động “Đồng hành cùng OCOP - Tôn vinh nông sản Việt” được tổ chức mới đây… nhằm tạo điều kiện để hàng OCOP tiếp cận dễ dàng với người tiêu dùng.

Ở góc độ của nhà sản xuất, anh Lê Trọng Đôn cho rằng, OCOP là chứng nhận được đánh giá rất gắt gao, nghiêm ngặt. Do đó có thể khai thác quảng bá rằng, sản phẩm OCOP được phát triển trong hệ sinh thái nông nghiệp, thuỷ hải sản, giải quyết công ăn việc làm cho công nhân. “Khi mọi người hiểu về giá trị này, thì sử dụng sản phẩm họ cũng sẽ hiểu là đang giúp những người nông dân phát triển và bản thân người dùng cũng nằm trong hệ sinh thái này”, anh Đôn đề xuất.

Còn theo anh Lư Nguyễn Xuân Vũ, hiện quy trình công nhận sản phẩm OCOP đang được thực hiện rất tốt vì vậy thay vì chạy theo số lượng cần giữ nguyên các tiêu chuẩn đánh giá. Song song đó, các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc hỗ trợ tuyên truyền để người dân hiểu hơn về giá trị của sản phẩm; đồng thời có cơ chế cho các DN, HTX vay sản xuất chế biến với mức lãi suất 5% để sản phẩm khi ra thị trường có sức cạnh tranh.

Bà Nguyễn Ngọc Hương - Phó Giám đốc Công ty Thiên Nhiên Việt:

Chúng tôi đang có 6 sản phẩm OCOP gồm bột rau má, bột diếp cá, bột chùm ngây, rau má uống liền… được phân phối vào các siêu thị. Để sản phẩm có chỗ đứng, cách duy nhất là phát huy được giá trị bản địa của sản phẩm.

Cụ thể là phát triển những sản phẩm có khẩu vị làm hài lòng khách hàng, đồng thời phải đẩy mạnh quảng bá, bán hàng để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Ngoài ra, khi đưa ra thị trường phải tuân thủ pháp lý, an toàn vệ sinh, nhãn mác bao bì ấn tượng và quan trọng chất lượng phải đưa lên hàng đầu.


Tác giả: Minh Khuê - Ngọc Thùy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết