A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng, quản lý mã số vùng trồng: Phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng

Tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực đưa công tác thiết lập, quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu ngành hàng sầu riêng hiệu quả.

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích sầu riêng lớn thứ hai cả nước, với 15.250 ha, sản lượng đạt 156.392 tấn. Sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chính thức được ký thì Đắk Lắk đã được phê duyệt 23 mã số vùng trồng, với diện tích khoảng 1.500 ha và 4 mã cơ sở đóng gói.

Ngày 17/9 vừa qua, Đắk Lắk đã xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên theo Nghị định thư sang thị trường Trung Quốc. Đây là một trong những lợi thế rất lớn để sầu riêng của Đắk Lắk trở thành sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức đối với các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nông dân địa phương, bởi vì muốn xuất khẩu trái sầu riêng, các bước chuẩn bị phải làm rất kỹ càng từ tất cả các khâu.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk) cho biết, yêu cầu của nước nhập khẩu vô cùng khắt khe, đòi hỏi mỗi nông dân phải tuân thủ tuyệt đối. Do đó, các thành viên hợp tác xã coi mã vùng trồng được cấp như tài sản quý, hướng dẫn, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong việc thiết lập, giám sát mã vùng trồng tại địa phương.

Xây dựng, quản lý mã số vùng trồng: Phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch được kiểm tra kỹ lưỡng tại cơ sở đóng gói

Xây dựng mã số vùng trồng là một trong những khâu then chốt quyết định đến việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, hiện nay diện tích sầu riêng của Đắk Lắk chưa được cấp mã vùng trồng còn rất lớn, do đó Đắk Lắk đang tiếp tục xây dựng thêm các vùng nguyên liệu đạt chuẩn để được phía đối tác cấp mã số vùng trồng.

Đặc biệt, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch “Triển khai công tác thiết lập, quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng của tỉnh theo quy mô sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu”.

Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, địa phương, hợp tác xã chung tay cùng hướng về nền sản xuất mặt hàng sầu riêng đạt chuẩn nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối quản lý mã vùng trồng sầu riêng theo quy định.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, mục tiêu của Kế hoạch là tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và kịp thời, đồng bộ các quy định của nước nhập khẩu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng, quản lý sinh vật gây hại tại những mã số vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Qua đó nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết