A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vươn lên với lan

“Tôi đã trồng nhiều loại cây, từ cà phê, rau thương phẩm đến hoa cắt cành và quyết định gắn bó với lan. Với người nông dân, việc trồng lan, đặc biệt các loại lan như hồ điệp, vũ nữ là thách thức và cũng là cơ hội” - ông Trần Trung Thứ, nông dân thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh (Ðức Trọng) chia sẻ. Và những loài lan cao cấp đang mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân dám nghĩ, dám làm. 

Ông Trần Trung Thứ trong vườn lan hồ điệp của gia đình.
Ông Trần Trung Thứ trong vườn lan hồ điệp của gia đình.
 
Ông Trần Trung Thứ vốn người quê đất lúa Hưng Yên. Năm 1982, ở tuổi 18, ông vào Lâm Đồng sinh sống và bắt đầu làm quen với những loại cây trồng nơi đất mới, cây cà phê, cây rau thương phẩm. Được đánh giá là người ham tìm tòi, sẵn sàng đổi mới, ông Thứ thay đổi nhiều loại cây trồng và năm 2017, ông chuyển sang trồng hai loại lan công nghiệp với quy mô lớn: lan hồ điệp và lan vũ nữ. Ông Thứ tâm sự, ông là người thích vượt qua những thách thức. Và với nông dân, cây lan có thể coi là cây trồng hàng đầu, vừa khó trong chăm sóc canh tác, vừa tốn kém về chi phí đầu tư. Ông đã vượt qua được thách thức, mang lại thu nhập tốt từ hai dòng lan cảnh.
 
Hiện tại, vườn lan của ông Trần Trung Thứ rộng 1,6 ha với 1 ha chuyên trồng vũ nữ và 6 sào nhà kính chuyên dụng trồng lan hồ điệp. Ông Thứ chia sẻ, lan vũ nữ không cần nhà kính cầu kì chứ lan hồ điệp là loại vô cùng khó tính, yêu cầu không gian sống nghiêm ngặt. Nhà kính trồng lan hồ điệp phải đầu tư hàng tỉ đồng/sào với hệ thống thông gió, quạt mát, tường nước đạt chuẩn. Với ông Thứ, ông đầu tư nhà kính trồng lan hồ điệp bài bản ngay từ đầu, với hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động. Tùy theo chu kì sinh trưởng của cây, yêu cầu về ẩm độ, nhiệt độ, quang độ được cài sẵn trong hệ thống, các loại máy móc sẽ tự động duy trì cho cây lan đúng theo điều kiện được cho sẵn. Mức đầu tư phải từ 1,2-15 tỷ đồng/sào nhà kính trồng lan, một con số khổng lồ với người nông dân. 
 
Điều khá đặc biệt là ông Trần Trung Thứ làm giàn lan di động. Các giàn sắt được đặt trên hệ thống ray kéo nhẹ nhàng. Khi cần đi vào điểm nào, kéo nhẹ là giàn chạy, không cần cho giàn quay vào. Theo ông Thứ, làm giàn di động thì tăng tiền đầu tư giàn nhưng bù lại, tăng diện tích sử dụng lên thêm 20%, tiết kiệm rất nhiều không gian cho nhà vườn, nhất là những nhà vườn nhỏ bởi chi phí đầu tư nhà kính trồng lan rất lớn. Hiện mỗi năm, ông thường xuống giống khoảng 120 ngàn chậu lan hồ điệp các loại, chủ yếu phục vụ cho vụ Tết Nguyên đán. Những chậu không bán tết, vườn tiếp tục chăm sóc và cắt cành cung ứng cho các cửa hàng, công ty hoa.
 
Vườn vũ nữ của ông cũng đang kỳ cho hoa cung cấp Tết Nguyên đán 2022. Ông Thứ cho biết, vũ nữ là loài lan có sức sống rất tốt, không cần chăm sóc cầu kì. Tuy nhiên, vũ nữ muốn lên màu đẹp, cành cứng, cánh dày tươi lâu thì cũng cần làm giàn lưới đen, giảm bớt cường độ sáng cho cây. Khác với lan hồ điệp chu kì trồng chỉ 4 tháng/năm là chủ yếu, lan vũ nữ cần trồng 2 năm cây mới trưởng thành, cho bông cung cấp thị trường. Lan vũ nữ được ưa chuộng vì dáng mỏng manh thanh thoát, bền hoa, có thể cắm lâu vài tháng. Không chỉ bán trong nước, lan vũ nữ của ông Thứ cũng theo các công ty xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế. Ông Thứ chia sẻ: “Đất Đức Trọng thực sự rất phù hợp với cây lan, cả hồ điệp và vũ nữ. Vì khí hậu ôn hòa, nền nhiệt vừa phải, ngày dài, ánh sáng trong nên cây dễ sống, cho hoa đẹp và đầu tư vừa phải. Trồng lan thực sự là cây trồng cao cấp và mang lại thu nhập rất khả quan cho người nông dân”.
 
Anh Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt đánh giá, ông Trần Trung Thứ là một người thật sự dám nghĩ, dám làm, tiếp cận kỹ thuật trồng và xây dựng thương hiệu cho lan rất hiệu quả. Ông là một người trồng lan xuất sắc, một nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật và đã thành công với lan.

Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết