A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

8 nhiệm vụ trọng tâm của Trung Quốc sau kỳ họp lưỡng hội

Lưỡng hội (Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn Trung Quốc và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc) là một sự kiện lớn trong đời sống chính trị, có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc.

Ngày 5-3, tại Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc khóa XIV, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đọc Báo cáo Công tác Chính phủ, đánh giá toàn diện các mặt công tác trong 5 năm qua và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách kinh tế-xã hội của Trung Quốc thời gian tới. 

Hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả

Báo cáo khẳng định 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới liên tục có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng và khó lường; sự tác động của đại dịch Covid-19 và kinh tế trong nước đi xuống, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với nòng cốt là Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân dân Trung Quốc đã vượt qua nhiều thử thách như xóa đói giảm nghèo, hoàn thành xây dựng xã hội khá giả và bắt đầu một hành trình mới hướng tới mục tiêu 100 năm lần thứ hai.

Ảnh minh họa. Nguồn CMG 

Năm 2022, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức thành công, đề ra kế hoạch xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt. Nền kinh tế được vận hành ổn định, chất lượng phát triển được nâng cao, xã hội ổn định. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm tăng 3%; có thêm 12,06 triệu việc làm mới ở thành thị; tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị giảm xuống 5,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 7,7%; tỷ lệ thâm hụt ngân sách được kiểm soát ở mức 2,8%; cán cân thanh toán quốc tế cân bằng; sản lượng lương thực đạt 685 triệu tấn, tăng 3,7 triệu tấn.

Năm 2023: Tìm kiếm tiến bộ trong duy trì ổn định

Là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc sẽ tuân thủ quan điểm chung là tìm kiếm tiến bộ trong khi duy trì ổn định, đẩy nhanh việc thiết lập mô hình phát triển mới, tập trung thúc đẩy phát triển chất lượng cao, duy trì ổn định xã hội, tạo khởi đầu thuận lợi cho việc xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt.

Báo cáo công tác Chính phủ chỉ rõ mục tiêu trong năm 2023,  GDP tăng khoảng 5%; tạo thêm khoảng 12 triệu việc làm mới ở thành thị (tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 5,5%); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 3%; tăng trưởng thu nhập của người dân cơ bản đồng bộ với tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy ổn định và nâng cao chất xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán quốc tế cơ bản được cân bằng; sản lượng lương thực duy trì trên 650 triệu tấn; tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP và phát thải các chất ô nhiễm chính tiếp tục giảm; tập trung kiểm soát việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch, cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.

Tác giả Sảnh Hoa, Phóng viên Ban Việt ngữ Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ảnh CMG.

8 nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng ở trên, Chính phủ Trung Quốc đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm đó là:

Mở rộng nhu cầu trong nước, ưu tiên phục hồi và mở rộng tiêu dùng. Nâng cao thu nhập của người dân. Ổn định và thúc đẩy tiêu dùng. Khuyến khích đầu tư của Chính phủ và các chính sách phải hướng đến thúc đẩy đầu tư xã hội một cách hiệu quả.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống ngành nghề hiện đại hóa. Tập trung vào các chuỗi ngành nghề then chốt, tập trung nguồn lực chất lượng cao và hợp tác để thúc đẩy các đột phá công nghệ cốt lõi. Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Phát triển nền kinh tế số, nâng cao mức độ giám sát trạng thái bình thường hóa và hỗ trợ phát triển nền kinh tế nền tảng.

Thực hiện “Hai không dao động”: Không dao động trong củng cố và phát triển kinh tế chế độ công hữu; không dao động trong khuyến khích, ủng hộ và dẫn dắt kinh tế chế độ phi công hữu phát triển. Đi sâu cải cách tài sản nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bảo vệ quyền sở hữu của doanh nghiệp tư nhân và lợi ích của doanh nhân theo quy định của pháp luật; khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và hộ kinh doanh cá thể phát triển; xây dựng mối quan hệ thân thiện và trong sạch giữa chính phủ và doanh nghiệp.

Nỗ lực thu hút và sử dụng nguồn vốn nước ngoài. Mở rộng tiếp cận thị trường và tăng cường mở cửa các ngành dịch vụ hiện đại. Thực hiện chế độ đãi ngộ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như doanh nghiệp trong nước. Làm tốt công tác dịch vụ với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xây dựng các công trình mang tính biểu tượng do nước ngoài bỏ vốn.

Phòng ngừa và hóa giải hiệu quả các rủi ro lớn về kinh tế, tài chính. Đi sâu cải cách thể chế tài chính, hoàn thiện giám sát tài chính, nâng cao trách nhiệm của các bên, ngăn ngừa hình thành rủi ro tài chính mang tính khu vực và hệ thống; thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định. Phòng ngừa và hóa giải rủi ro nợ của chính quyền địa phương.

Ổn định sản xuất lương thực và phát triển nông thôn. Ổn định diện tích gieo trồng lương thực, phát triển các ngành nghề truyền thống ở nông thôn, mở rộng các kênh mua bán giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. Củng cố và nhân rộng thành quả xóa đói giảm nghèo, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tái nghèo trên diện rộng.

Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình phát triển xanh. Nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm môi trường. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng ở đô thị và nông thôn, tiếp tục triển khai các dự án lớn bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái quan trọng. Thúc đẩy sử dụng hiệu quả và nghiên cứu phát triển công nghệ than sạch, đẩy nhanh việc phát triển năng lượng mới. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đảm bảo an sinh xã hội cơ bản và sự nghiệp phát triển xã hội. Tăng cường xây dựng hệ thống nhà ở xã hội, giải quyết tốt vấn đề nhà ở của cư dân mới và thanh niên. Thúc đẩy giáo dục chất lượng cao, gắn kết thành thị với nông thôn, phát triển mạnh giáo dục nghề nghiệp, đổi mới giáo dục đại học. Đào tạo nguồn lực y tế chất lượng cao và phân bổ cân đối giữa các vùng miền.


Tags: Trung Quốc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết