Đầu tư trọng điểm, hướng đến phát triển công nghiệp xanh
Phát triển công nghiệp gắn với yếu tố xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là một ưu tiên hàng đầu của TP Hồ Chí Minh. Từ định hướng này, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, đơn vị được UBND TP Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, đã đẩy mạnh tái cấu trúc, đầu tư vào các dự án trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển ngành công nghiệp. Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Phi Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Là doanh nghiệp chủ lực của ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đã có định hướng như thế nào về công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với các yếu tố, tiêu chuẩn xanh theo xu hướng của các nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới?
Đồng chí Trần Phi Long: Công nghiệp truyền thống phát triển hàng chục năm qua đã bộc lộ những hạn chế như: Ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều lao động, tính cạnh tranh thấp, năng suất, hiệu quả giá trị tạo nên chưa cao... Đặc điểm này đặt trong xu thế phát triển công nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải chuyển đổi để tạo được lợi thế cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm công nghiệp, bảo vệ môi trường... Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đã đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh, đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả quản trị và xác định những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm ở từng dự án, mục tiêu phát triển công nghiệp, lấy đổi mới công nghệ cao, công nghệ mới làm mũi nhọn, động lực phát triển.
Đồng chí Trần Phi Long. |
PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về yếu tố trọng tâm, trọng điểm và yếu tố công nghệ cao trong đầu tư của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn?
Đồng chí Trần Phi Long: Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn là doanh nghiệp chủ lực của TP Hồ Chí Minh với 23 công ty trực thuộc, liên kết, được UBND TP Hồ Chí Minh giao thực hiện nhiệm vụ phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Điện tử, công nghệ thông tin, bán dẫn; cơ khí, chế tạo máy; hóa chất, cao su, nhựa; thực phẩm, sản xuất thuốc lá...; Tổng công ty hướng đến kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp đóng vai trò chủ lực, đầu ngành, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế, việc lựa chọn đầu tư chiến lược cho các phân ngành công nghiệp phải bảo đảm yếu tố đón đầu về công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, bền vững, vừa bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế, vừa bảo đảm các yêu cầu phát triển công nghiệp theo tiêu chuẩn xanh, hiện đại hóa theo định hướng của TP Hồ Chí Minh.
Hiện Tổng công ty đang tập trung triển khai đầu tư vào các dự án “mũi nhọn”: Đề án chế tạo, sản xuất các phương tiện, hệ thống máy móc phục vụ sản xuất năng lượng tái tạo, xây dựng những cụm công nghiệp, khu công nghiệp xanh, công viên phần mềm, triển khai đề án đô thị thông minh, trung tâm dữ liệu, hệ thống chuyển đổi số... Từ kinh nghiệm phát triển thành công Công viên phần mềm Quang Trung, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp xanh để sẵn sàng thu hút nhà đầu tư quốc tế.
Hoạt động sản xuất ngành cơ khí của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn được hiện đại hóa theo tiêu chuẩn xanh. Ảnh do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cung cấp |
PV: Đầu tư vào các dự án công nghiệp xanh, cụm công nghiệp xanh phải bảo đảm nhiều yếu tố xanh đồng bộ, đồng chí có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Đồng chí Trần Phi Long: Quả đúng như thế, các khu, cụm công nghiệp xanh khác so với các khu, cụm công nghiệp truyền thống ở chỗ sử dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất hiện đại, sử dụng năng lượng sạch, sử dụng lao động ít hơn, năng suất cao, tạo ra sản phẩm giá trị cao... Hiện nay, quỹ đất phát triển công nghiệp của TP Hồ Chí Minh không còn nhiều nên các ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động, phát sinh nhiều khí thải được dịch chuyển qua một số tỉnh lân cận, do đó, định hướng phát triển công nghiệp xanh của TP Hồ Chí Minh là vô cùng đúng đắn.
Tổng công ty vừa được UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo, giao nhiệm vụ triển khai xây dựng khu công nghiệp xanh đầu tiên ở huyện Bình Chánh, quy mô 87ha. Để thực hiện dự án này, Tổng công ty nghiên cứu các mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc và tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng gắn với yếu tố xanh: Hệ thống nước sạch, điện phục vụ sản xuất từ năng lượng tái tạo, xử lý ô nhiễm công nghệ cao, tỷ lệ nhà xưởng sản xuất trên tổng diện tích chỉ ở mức 40%, hệ thống nhà xưởng hiện đại, các doanh nghiệp đầu tư vào đây phải bảo đảm các yếu tố sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh... Dự án này khi hoàn thành sẽ tạo nên lợi thế về thu hút nhà đầu tư FDI.
PV: Để dự án khu, cụm công nghiệp xanh phát huy hiệu quả, đồng chí có những kiến nghị gì?
Đồng chí Trần Phi Long: Theo tôi, để phát triển ngành công nghiệp xanh, mà cụ thể là khu, cụm công nghiệp xanh thì các cơ quan quản lý nhà nước cần bảo đảm các yếu tố đồng bộ, chính sách hỗ trợ như: Đầu tư kết nối hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối, quy hoạch phân vùng sản xuất hợp lý, ban hành chính sách tiếp cận nguồn vốn kích cầu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế, giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn...
Nói một cách nôm na là, mình muốn thu hút nhà đầu tư vào thì mình phải chuẩn bị sẵn về mọi mặt, đáp ứng cái họ cần, có chính sách ưu đãi và khuyến khích thu hút đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục để nhà đầu tư gắn bó lâu dài. Tính đồng bộ trên sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra giá thành tối ưu cho sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thúc đẩy, xây dựng ngành công nghiệp xanh phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia sản xuất sản phẩm xanh, giá trị cao sẽ khẳng định được thành tựu mới, kết quả vượt trội của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh của TP Hồ Chí Minh trong tình hình mới.