A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới, thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới

Vượt qua một năm với nhiều thách thức, khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, bước vào năm 2022, Đắk Lắk đang tiếp tục nỗ lực phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực tăng trưởng mới cho tỉnh trong những năm tới để góp phần đạt được những mục tiêu của nhiệm kỳ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Trong 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch năm 2021, có 3 chỉ tiêu quan trọng thể hiện chất lượng tăng trưởng kinh tế đều vượt gồm: GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt gần 50 triệu đồng/người (kế hoạch: 48,07 triệu đồng/người); Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 42.027 tỷ đồng, bằng 141,03% kế hoạch, tăng 13,95% so với năm 2020; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.150 tỷ đồng, bằng 109,96% kế hoạch HĐND tỉnh giao (7.412 tỷ đồng) và bằng 151,78% kế hoạch Trung ương giao (5.369,9 tỷ đồng).

Điều đó cho thấy sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành cũng như nỗ lực vượt bậc của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Tuy nhiên, khi đi vào các chỉ số thành phần trong từng nhóm chỉ tiêu phát triển kinh - tế xã hội, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn chưa thực sự bền vững, chủ yếu phát triển vẫn dựa vào nguồn tài nguyên.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng đoàn công tác thăm và làm việc tại Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (mở rộng) lần thứ 11, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, ban hành các nghị quyết chuyên đề, năm 2022 là năm cấp ủy, chính quyền, địa phương phải tập trung các giải pháp để triển khai thực hiện các nghị quyết mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành. Nhiệm vụ của năm mới sẽ khó khăn hơn khi những dự báo tình hình quốc tế, trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế.

Sản xuất gạch không nung ở Cụm công nghiệp Ea Ral (huyện Ea H'leo). Ảnh: Hoàng Gia

 

Nhân dân có nhiều sự kỳ vọng, khát vọng đối với sự phát triển của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vì vậy càng phải nêu cao quyết tâm, không ngừng đổi mới và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra giải pháp đột phá hơn nữa để Đắk Lắk phát triển mạnh mẽ, xứng tầm vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên".

 

 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung

Điều đó càng đặt ra yêu cầu đối với toàn Đảng bộ, đặc biệt là các cấp ủy đảng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, không chỉ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra mà còn rà soát, tháo gỡ "điểm nghẽn" trong thực hiện cơ chế chính sách và tìm động lực tăng trưởng mới. Đó là triển khai các giải pháp đột phá để đổi mới cách thức tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang tăng trưởng chủ yếu dựa vào năng suất, chất lượng của các ngành kinh tế, tạo ra của cải vật chất dồi dào cho xã hội. Có nghĩa là dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo nhằm bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, chất lượng và hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Một trong 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh đã đề ra là đẩy mạnh cải cách hành chính. Tuy nhiên, hiện nay, mặc dù công tác chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, nguồn lực dành cho đầu tư cơ sở vật chất được quan tâm, trang thiết bị, công nghệ được hiện đại hóa, nhưng công tác cải cách hành chính của tỉnh theo đánh giá của Bộ Nội vụ vẫn còn những tồn tại, yếu kém đó là cải cách thủ tục hành chính chậm, năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu. 

Chính vì vậy, trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, cải cách hành chính được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đặc biệt nhấn mạnh, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 02/4/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong những nghị quyết chuyên đề tạo động lực để Đắk Lắk bước vào nền kinh tế số, xã hội số và xây dựng chính quyền số.

Lê Hương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật