A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ khó cho công tác cán bộ đoàn địa bàn dân cư ở TP Hà Nội

Hoạt động của tổ chức đoàn trên địa bàn dân cư có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Nhận thức rõ điều đó, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn của TP Hà Nội triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động đoàn trên địa bàn dân cư, trong đó, việc nâng cao chất lượng công tác cán bộ đoàn được coi là khâu quan trọng. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, công tác cán bộ đoàn khối địa bàn dân cư của thành phố còn không ít tồn tại, hạn chế cần khắc phục, tháo gỡ.

Điểm nghẽn quy hoạch, luân chuyển, tạo nguồn

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Bí thư chi đoàn trên địa bàn dân cư quý III của Quận đoàn Hai Bà Trưng, Quận đoàn Cầu Giấy (TP Hà Nội) diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi. Cùng với những văn bản, chương trình mới của tổ chức đoàn cấp trên, các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi về thực trạng, những khó khăn, bất cập trong công tác cán bộ đoàn khu vực dân cư trên địa bàn mình phụ trách.

Đồng chí Lê Thị Thu Trang, Bí thư Quận đoàn Cầu Giấy thẳng thắn: “Tình trạng thiếu công chức bổ sung cho tổ chức đoàn dẫn đến thiếu nguồn cán bộ đoàn trẻ kế cận chính là một nút thắt. Trước việc không thường xuyên tổ chức kỳ thi tuyển công chức đoàn, khiến cho hẹp cả đầu vào và thắt cả đầu ra! Với tính chất công việc phong trào luôn bận rộn, chất lượng công việc ngày càng phải nâng cao, thường xuyên đổi mới cho phù hợp với xu thế và nhu cầu của giới trẻ, nhưng chế độ, chính sách và mức lương thực tế chưa tương xứng với những đòi hỏi về chất và lượng mà cán bộ trẻ phải đáp ứng. Vì vậy, tại một số nơi, một bộ phận cán bộ đoàn đã nghỉ việc”.

 Cán bộ Thành đoàn Hà Nội và Huyện đoàn Thường Tín (TP Hà Nội) trao máy tính hỗ trợ học sinh khó khăn.

Kết quả khảo sát trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, nhiều cán bộ đoàn bày tỏ băn khoăn trước thực trạng khó khăn trong công tác quy hoạch, luân chuyển, tạo nguồn. Tại cấp xã, phường, thị trấn, chế độ đãi ngộ cho chức danh cán bộ đoàn còn thấp; không có vị trí thi tuyển công chức; việc sắp xếp, bố trí công tác sau thời gian làm cán bộ đoàn thiếu định hướng cụ thể, không rõ ràng, không ổn định. Mới nhất, Hà Nội áp dụng mô hình chính quyền đô thị, cán bộ đoàn thể chưa là cán bộ công chức. Do đó, trong công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, chức danh lãnh đạo quản lý theo nhiệm kỳ hằng năm tại cấp xã, phường, nhiều trường hợp bí thư đoàn xã (phường) có thời gian công tác và đóng góp tích cực tại địa phương, nhưng do quy định về độ tuổi giữ chức danh không quá 35 tuổi, mặc dù là nguồn cán bộ trẻ đủ điều kiện trình độ đáp ứng công tác, với vai trò đứng đầu một tổ chức chính trị-xã hội nhưng vẫn không được đưa vào quy hoạch cao hơn trong cấp ủy và chức danh lãnh đạo chính quyền tại địa phương ở nhiệm kỳ tới. Vì không phải là công chức nên dù có kinh nghiệm qua hoạt động thực tiễn tại cơ sở nhưng cũng không thể luân chuyển lên cơ quan chuyên trách đoàn cấp quận, huyện. Việc phát triển tại chỗ, hay “sang ngang” theo ngành dọc cấp trên đều không khả thi... Đây là trở ngại lớn tác động trực tiếp tới đội ngũ cán bộ đoàn xã (phường) đương nhiệm, khiến họ luôn trăn trở, đắn đo, trở thành rào cản cho công tác tạo nguồn kế cận, quy hoạch cán bộ đoàn.

Đem những tâm tư trên trao đổi với một số đồng chí lãnh đạo quận ủy, huyện ủy, chúng tôi cũng nhận được ý kiến tương tự. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phong, Phó bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai: Đầu ra cho cán bộ đoàn, đặc biệt là cấp phường vẫn là vấn đề trăn trở đối với cấp ủy. Bởi khi Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, cán bộ của UBND phường cơ bản ổn định (có đủ các vị trí chức danh công chức), hoặc cán bộ đoàn khi hết tuổi lại không đáp ứng đủ các yêu cầu cho vị trí công tác còn khuyết (bằng cấp, năng lực, sở trường). Việc quy hoạch, tạo nguồn cho cán bộ đoàn cấp quận cũng gặp những khó khăn cả về chủ quan và khách quan: Số lượng cán bộ công chức trẻ đủ tuổi công tác trong lĩnh vực đoàn ngày càng ít; một số đồng chí cán bộ rất có năng khiếu, sở trường trong công tác đoàn, có uy tín đối với thanh niên nhưng lại chưa là cán bộ công chức.

Hiện nay, TP Hà Nội có 725.855 đoàn viên, trong đó, 273.358 đoàn viên sinh hoạt tại địa bàn dân cư. Khối địa bàn dân cư có 30 quận, huyện, thị đoàn; 579 đoàn thanh niên xã, phường, thị trấn với 7.824 chi đoàn. 30 quận, huyện, thị xã có 29 đồng chí bí thư, 47 phó bí thư và 61 cán bộ đoàn chuyên trách. Bí thư xã, phường, thị trấn là 579 đồng chí.  

Nêu quan điểm về vấn đề trên, đồng chí Chu Hồng Minh, Bí thư Thành đoàn Hà Nội phân tích thêm những hạn chế trong công tác cán bộ đoàn tại địa bàn dân cư. Theo đó, tỷ lệ cán bộ đoàn cấp huyện, cấp cơ sở quá tuổi ở khối địa bàn dân cư theo Quy chế cán bộ Đoàn hiện chiếm hơn 11%. Một số địa phương, đơn vị khi ban hành tiêu chuẩn đề ra đối với cán bộ đoàn cao hơn so với Quy chế cán bộ Đoàn, nhưng chính sách và việc chỉ đạo điều hành để thực hiện chưa được xuyên suốt, dẫn đến khó khăn trong bố trí cán bộ đoàn. Việc tuyển dụng công chức, viên chức được thực hiện theo quy định chung áp dụng ở khối đảng, đoàn thể. Do đó, có trường hợp công chức trúng tuyển vào cơ quan chuyên trách của Đoàn nhưng không phù hợp với công tác đoàn, không đáp ứng yêu cầu công tác thanh vận, ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện công tác quy hoạch, rà soát bổ sung quy hoạch; quy hoạch còn khép kín, thiếu tính mở, chưa phát hiện và mở rộng nguồn cán bộ ở cơ quan, đơn vị khác. Việc cử cán bộ đi đào tạo lý luận chính trị chưa đáp ứng yêu cầu do phụ thuộc vào chỉ tiêu được giao hằng năm dẫn đến nhiều cán bộ trẻ, có năng lực nhưng thiếu tiêu chuẩn, điều kiện về lý luận chính trị để bổ nhiệm, giới thiệu giữ các chức vụ trong Đoàn.

Khơi thông đầu ra, tăng chất lượng đầu vào

Để giải quyết những khó khăn trên, đồng chí Phùng Tân Nhị, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì cho rằng, tổ chức đoàn các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng về nguồn cán bộ để tuyển chọn, nhất là công tác quy hoạch, đầu vào, đầu ra, chế độ, chính sách đối với cán bộ đoàn và quan tâm, bố trí chức danh khác phù hợp khi cán bộ đoàn hết tuổi công tác. Cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, xem xét quy hoạch cán bộ đoàn vào các chức danh lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn. Giải pháp quan trọng là đổi mới, hoàn thiện chính sách cán bộ, tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, chế độ khuyến khích đối với cán bộ làm công tác đoàn.

Nói về hướng tháo gỡ khó khăn, hạn chế, lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội cho biết, Đoàn Thanh niên thành phố đề xuất, kiến nghị với trên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về công tác tuyển dụng cán bộ đoàn, tiêu chuẩn cán bộ đoàn về độ tuổi, trình độ để phù hợp với thực tế, bảo đảm công tác luân chuyển và sự phát triển cán bộ từ cơ sở. Đồng thời, đề nghị Thành ủy Hà Nội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp quan tâm đến công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ đoàn chuyên trách đã hết tuổi làm cán bộ đoàn theo quy định; tăng phụ cấp từ nguồn ngân sách địa phương đối với chức danh bí thư đoàn xã, phường, thị trấn.

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Thành đoàn làm việc với cấp ủy các quận, huyện, thị xã để sớm bố trí đầu ra, công tác mới cho các đồng chí cán bộ đoàn, bảo đảm phù hợp với năng lực, chuyên môn. Thường trực cấp ủy của 30 quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu niên; đặc biệt là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nguồn kinh phí cho hoạt động đoàn. Đối với mỗi cán bộ đoàn, cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác.


Tags: đoàn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết