Hội nghị An ninh Munich: Một tay không thể vỗ thành tiếng
Một tay không thể vỗ thành tiếng, cũng giống như Hội nghị An ninh Munich thiếu vắng các quan chức hàng đầu từ những quốc gia là đối thủ địa chính trị lớn của phương Tây như Nga, Iran, Triều Tiên... khiến nó đánh mất giá trị lớn nhất, không còn là nơi gặp gỡ của những tiếng nói đối lập, mà chỉ đơn thuần là một diễn đàn mang tính biểu trưng sức mạnh của phương Tây.
Được tổ chức thường niên từ năm 1963 tới nay, Hội nghị An ninh Munich là diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo, các bên đối thoại cấp cao, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, thảo luận các biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng, đối phó với những thách thức, nguy cơ, nhằm bảo vệ môi trường an ninh quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là năm nay không có bất kỳ một quan chức Nga nào được mời dự hội nghị, trong khi xung đột Nga-Ukraine lại là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay và cũng là nội dung trọng tâm tại hội nghị lần này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có bài phát biểu trực tuyến trước Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: Reuters |
Diễn ra từ ngày 17 đến 19-2 tại khách sạn hạng sang Bayerischer Hof, thành phố Munich, Đức, hội nghị năm nay quy tụ 850 đại biểu, trong đó có khoảng 40 nguyên thủ quốc gia, 50 Bộ trưởng Ngoại giao và 25 Bộ trưởng Quốc phòng đến từ khắp nơi trên thế giới, đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), các tổ chức quốc tế...
Những cái tên nổi bật xuất hiện tại hội nghị là Thủ tướng nước chủ nhà Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg... Về phía Mỹ, mặc dù Tổng thống Joe Biden không tham dự nhưng đoàn đại biểu Mỹ do Phó tổng thống Kamala Harris dẫn đầu cũng đến Munich năm nay với số lượng thành viên lớn nhất trong lịch sử. Bản thân ông Joe Biden cũng sẽ đến châu Âu trong tuần sau, thăm Ba Lan để đánh dấu một năm ngày nổ ra xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, sự góp mặt cực kỳ đông đảo của hầu hết các quan chức lãnh đạo phương Tây không có nghĩa là Hội nghị An ninh Munich năm nay sẽ mang đến điều gì đó mới mẻ, mang tính đột phá về xung đột tại Ukraine bởi trong thời gian qua, các nước phương Tây đã có quá nhiều cuộc họp bàn ở tất cả các cấp độ, với sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo Ukraine và ngay trước thềm Hội nghị An ninh Munich năm nay thì các Bộ trưởng Quốc phòng NATO cũng vừa kết thúc hai ngày họp tại Brussels với nhiều cuộc thảo luận về việc trợ giúp quân sự cho Ukraine. Vì thế, sẽ khó có những tuyên bố, các quyết định mang tính bất ngờ được đưa ra tại Munich.
Khách sạn Bayerischer Hof-nơi diễn ra Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: stimson.org |
Hội nghị An ninh Munich năm nay được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh chiến sự Ukraine đã một năm chưa có lối thoát và căng thẳng Mỹ-Trung đang nổi lên. Theo kế hoạch, tại hội nghị lần này, các bên cũng sẽ trao đổi về tác động toàn cầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine, các vấn đề từ nguồn cung năng lượng đến giá lương thực, cùng một số vấn đề quốc tế lớn khác như quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc.
Tuy nhiên, trung tâm nghiên cứu uy tín tại Mỹ Stimson Center nhận định sự vắng mặt của các nhà ngoại giao đến từ các quốc gia đại diện cho “một bên” của những thách thức nói trên khiến hội nghị lần này khó có thể đưa ra những biện pháp thực sự giúp tháo ngòi nổ căng thẳng ở Ukraine hay góp phần giải quyết những thách thức ngày càng tăng do sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc.
Nói cách khác, Hội nghị An ninh Munich năm nay được đánh giá là sẽ chỉ mang tính chất như một diễn đàn khác của các nước phương Tây, mà không còn là nơi để các tiếng nói đối lập, các đối thủ địa chính trị... có cơ hội đối thoại thẳng thắn với nhau về mọi chủ đề liên quan đến an ninh toàn cầu.