Năm 2023 sẽ hoàn thiện hai Quy hoạch biển
Phó cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, đơn vị đã hoàn thành việc lập Hồ sơ Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ để trình Hội đồng thẩm định quy hoạch; đồng thời đang trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia. Đây cũng là hai nhiệm vụ chính sẽ được Cục tập trung hoàn thiện trong 6 tháng cuối năm 2023.
Trong đó, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ sẽ hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; quy hoạch không gian biển quốc gia tiếp tục được xây dựng cẩn trọng, bảo đảm chất lượng, trình các cấp có thẩm quyền.
Theo Phó cục trưởng Nguyễn Thanh Tùng, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được ý kiến góp ý của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 20/21 bộ, cơ quan ngang bộ, 28/28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đối với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Các ý kiến của các bộ, ngành và địa phương đều thống nhất với nội dung của dự thảo Quy hoạch. Những ý kiến tham gia chủ yếu tập trung vào nội dung phân vùng sử dụng tài nguyên vùng bờ và cập nhật, bổ sung, chuẩn hóa các thông tin, dữ liệu về hiện trạng...
Bến cá Xuân Hải, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Cùng với hai nhiệm vụ trên, 6 tháng cuối năm 2023, Cục sẽ tổng kết thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tham mưu Bộ triển khai thực hiện Chiến lược khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3-4-2023; hoàn thiện, trình Bộ ban hành các quy trình nội bộ để bảo đảm thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm ở biển, cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam... đúng quy trình, tiến độ, làm rõ và tăng cường trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng sẽ tập trung tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát trong công tác khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân sau khi được cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, cấp giấy phép nhận chìm, giao khu vực biển; theo dõi, kịp thời tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ trong việc ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, sự cố môi trường trên biển…
Đối với các hoạt động hợp tác quốc tế, Cục thực hiện các công tác chuẩn bị để tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á lần thứ 15 do Việt Nam đăng cai; thực hiện Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”...
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã thẩm định, tham mưu Bộ ban hành 3 Quyết định giao khu vực biển, cấp Giấy phép nhận chìm ở biển, Giao khu vực biển để nhận chìm của 3 Dự án, 1 Quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam; tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 203/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; triển khai thực hiện các hoạt động điều tra tài nguyên, môi trường biển, cập nhật cơ sở dữ liệu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển…
Theo Phó cục trưởng Nguyễn Thanh Tùng, việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển còn gặp một số bất cập khi triển khai trên thực tế. Quy định về giao sử dụng khu vực biển mới có từ năm 2014 nên còn có những tồn tại đối với các hoạt động sử dụng khu vực biển đã thực hiện từ thời gian trước như các hoạt động nuôi trồng thủy sản, cảng biển... cần tiếp tục xem xét, xử lý.
Một số địa phương có biển còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Lĩnh vực pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo còn mới, nhạy cảm, phức tạp, nhất là về giao, sử dụng khu vực biển nên quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện gặp nhiều khó khăn...