A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển thị trường trong nước mang ý nghĩa sống còn

Đó là khẳng định của ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại hội nghị hôm nay.

Thị trường hàng hóa trong nước phục hồi

Sáng nay, ngày 22/4/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị Phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.

Tham dự hội nghị, ngoài đơn vị chủ trì là Bộ Công Thương còn có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành gồm: Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cùng một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn các tỉnh, thành; các hiệp hội ngành hàng lớn; các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng lớn; các tổ chức tín dụng.

Phát triển thị trường trong nước mang ý nghĩa sống còn
Toàn cảnh hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, thị trường hàng hóa trong nước thời gian qua tiếp tục xu hướng phục hồi theo đà phục hồi của kinh tế cả nước.

Việc phát triển thị trường trong nước có những thuận lợi như: GDP quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ, sẽ hỗ trợ cho thu nhập và nhu cầu tiêu dùng trong năm 2025. Đầu tư công được đẩy mạnh giúp tăng thu nhập của người lao động trong các ngành xây dựng, hạ tầng, qua đó thúc đẩy tiêu dùng.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ như giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bán lẻ. Lương tối thiểu tăng, thu nhập khả dụng của người dân được cải thiện, giúp chi tiêu nội địa tăng.

Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng quen với mua sắm trực tuyến, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận khách hàng hơn thông qua các nền tảng số. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi được mở rộng, giúp hàng hóa nội địa dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn.

Bên cạnh những thuận lợi, thị trường trong nước cũng gặp một số khó khăn, thách thức như kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm. Sự thay đổi hành vi mua sắm từ offline sang online của người tiêu dùng. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn chưa kịp chuyển đổi để đáp ứng xu hướng mới, còn các doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh sản phẩm từ các địa phương vẫn gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại do chi phí trưng bày cao và thủ tục phức tạp.

Thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh, người tiêu dùng dễ dàng mua hàng trực tiếp từ nước ngoài, ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước. Ngoài ra, các yếu tố từ thị trường lao động, thu nhập chưa ổn định dẫn đến thắt chặt chi tiêu của người dân và chính sách thuế quan mới cũng làm ảnh hưởng một phần đến sức mua của người tiêu dùng.

Phát triển thị trường trong nước mang ý nghĩa sống còn
Ông Phan Văn Chinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - nêu những thuận lợi, khó khăn đặt ra đối với việc phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa

Cũng tại báo cáo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng đã nêu những đề xuất kiến nghị một số giải pháp nhằm phát triển thị trường trong nước năm 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó nhấn mạnh các vai trò, kiến nghị đối với Bộ Công Thương; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đối với các bộ, ngành, hiệp hội liên quan.

Phát triển thị trường nội địa mang ý nghĩa sống còn

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào thảo luận các nội dung như: Đánh giá thực trạng thị trường hàng hóa, sức mua, nhu cầu tiêu dùng trong nước từ đầu năm đến nay; phân tích những khó khăn, rào cản đang ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ hàng hóa của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thảo luận và đề xuất các giải pháp đồng bộ, hiệu quả và kịp thời để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 và tạo nền tảng cho các năm tiếp theo.

Tại đây, đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những trình bày về các chính sách hỗ trợ kích cầu. Trong đó, chú trọng đến các chính sách về tài khóa, tín dụng, thuế và việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Còn đại diện một số Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng đã có những báo cáo chi tiết về tình hình thị trường, các kế hoạch triển khai chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại tại địa phương. Trong đó, nêu bật những thuận lợi, vướng mắc trong việc triển khai Chỉ thị 08/CT-BCT ngày 4/4/2025 của Bộ Công Thương.

Cùng với đó, đại diện một số đơn vị như Hiệp hội Các nhà bán lẻ, Hiệp hội Thương mại điện tử cùng đại diện các doanh nghiệp là nhà phân phối, doanh nghiệp sản xuất đã có những trao đổi về thực trạng tiêu thụ hàng hóa, phát triển các hệ thống phân phối, định hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa cũng như đề xuất các giải pháp kiến nghị.

Ngoài ra, hội thảo cũng đã có những ý kiến chia sẻ thẳng thắn và đề xuất các giải pháp liên quan đến kết nối cung cầu, mở rộng thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại nội địa, ứng dụng trong phân phối và các chương trình khuyến mại tập trung.

Phát triển thị trường trong nước mang ý nghĩa sống còn
Ông Trần Hữu Linh - Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - phát biểu

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại hội thảo, ông Trần Hữu Linh - Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - đánh giá cao các tham luận, góp ý của các đơn vị đến từ cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công Thương các tỉnh, thành; các hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất.

Ông Trần Hữu Linh cho biết, để phát triển thị trường nội địa và kích cầu tiêu dùng không chỉ là nhiệm vụ của riêng bộ phận nào, các chủ thể từ doanh nghiệp, người tiêu dùng, chính sách, đơn vị báo chí truyền thông có vai trò rất quan trọng.

Ông Trần Hữu Linh cho rằng, những chính sách, chủ trương gần đây của Đảng và Chính phủ có sự dịch chuyển, qua đó, nâng cao vai trò, tầm quan trọng của thị trường nội địa, kinh tế tư nhân.

“Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hướng, phát triển thị trường nội địa làm sao cho doanh nghiệp nội lực của chúng ta phải bền vững thì mới có thể tạo ra giá trị. Hiện nay, kinh tế nước ta có độ mở rất cao, chỉ cần biến cố hay tác động từ toàn cầu sẽ làm ảnh hưởng đến nội lực của đất nước. Vì thế, về mặt chiến lược dài hạn, việc phát triển thị trường nội địa sẽ mang ý nghĩa sống còn, rất quan trọng”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Ông Trần Hữu Linh cũng cho biết, các ý kiến đóng góp sẽ được Bộ Công Thương tiếp thu, tổng hợp và làm Đề án báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị phù hợp, kịp thời tháo gỡ nhằm thúc đẩy thị trường trong nước phát triển ổn định, bền vững.

Theo số liệu của Cục thống kê - Bộ Tài chính, quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện đạt khoảng 4.922 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 190 tỷ USD, số liệu năm 2024), trong đó, tiêu dùng cho nhóm hàng lương thực, thực phẩm vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất là 35,7%, tiếp đến là nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 10,7%, nhóm hàng may mặc chiếm 5,5%, nhóm phương tiện đi lại chiếm 4,8%, cuối cùng là nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục chiếm 1,3%.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật