A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xây dựng kịch bản ứng phó với lạm phát trong nước

Đó là đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, sáng 11-10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Tại phiên họp, đại diện cơ quan thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, thời gian qua, nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo.

Qua đó đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc sáng 11-10. 

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.

Đó là tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý 3 cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (Quý 3 năm 2021 GDP giảm hơn 6%). Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn so với mục tiêu (ước tăng 4,7-5,2%, mục tiêu là 5,5%) mặc dù tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2%.

Đồng thời, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Cùng với đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên không thực hiện được, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Mặt khác, mặc dù giải ngân thực hiện FDI rất tích cực dự kiến cả năm đạt khoảng 21-22 tỷ USD nhưng thu hút FDI 9 tháng giảm 15,3% so với cùng kỳ, nhất là vốn đăng ký cấp mới chỉ bằng 57%, chưa tận dụng hiệu quả các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư.

Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung đánh giá khả năng áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, dự kiến áp dụng từ năm 2023 và tác động đến thu hút đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới để có các giải pháp phù hợp.

Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại; cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước xuất siêu 6,52 tỷ USD; tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, ước xuất siêu cả năm 1 tỷ USD, đề nghị báo cáo làm rõ dự báo mức thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng cuối năm lên tới 5,5 tỷ USD.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá so với đồng USD, nhất là tới tiềm lực dự trữ ngoại hối và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác.

 Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các đại biểu dự phiên họp. 

Nhấn mạnh tình hình kinh tế thế giới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm.

Trong đó, về các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc nới chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 lên 4,5%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Chính phủ cần kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất; xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.

Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế, đồng thời thận trọng với rủi ro lạm phát; việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán.

Đặc biệt, cần duy trì ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nhất là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vàng. Lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng...


Tags: phiên họp
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết