Quảng Ngãi khẩn trương sơ tán nhân dân khỏi vùng trũng thấp
Mấy ngày qua, mưa lớn ròng rã, lũ từ thượng nguồn đổ về làm một số địa phương ngập lụt, giao thông chia cắt, tỉnh Quảng Ngãi triển khai phương án di dời dân.
Đến 10 giờ sáng 11-10, tại huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) đã thực hiện di dời 84 hộ, 139 nhân khẩu ở xã Hành Dũng và xã Hành Nhân. Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập từ 0,5 đến 1m, riêng tại xã Hành Dũng và Hành Nhân bị ngập 100 hộ, sâu trung bình 0,5-0,7m.
Tại thị xã Đức Phổ, các khu vực ngập lụt gồm các phường Phổ Văn, Phổ Ninh, Phổ Minh, Phổ Thuận, mức độ ngập khoảng 0,5-1m, tổng nhà dân bị ngập khoảng 150 hộ. Thị xã Đức Phổ thực hiện di dời xen ghép một số hộ dân bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Trục giao thông liên huyện ở Trà Bồng bị sạt lở nghiêm trọng. |
Tại huyện Bình Sơn, mực nước tại sông Trà Bồng đang lên nhanh, đã ngập đường liên thông với thị trấn Châu Ổ ở khu dân cư số 2, xã Bình Long. Trong khi đó, xã khu vực chợ Thạch An, xã Bình Mỹ đang bị ngập sâu. Sáng sớm 11-10, người dân đã di chuyển đồ đạc lên cao và chủ động di chuyển đến nơi an toàn tại các trường học.
Đối với các huyện miền núi Sơn Hà, Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, đang tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, vận động người dân trong vùng có nguy cơ cao sạt lở sơ tán đến nơi an toàn.
Người dân chợ Thạch An (xã Bình Mỹ) sơ tán đến nơi cao, an toàn. |
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có công điện khẩn, trong đó yêu cầu Ban chỉ huy Phòng, chống Thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa trên địa bàn, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân khu vực nguy cơ ngập chủ động biện pháp ứng phó.
Hiện nay, các trường học trên toàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn; lực lượng vũ trang các địa phương có tuyến đường bị ngập, sạt lở, giao thông chia cắt đã bố trí túc trực 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và quyết liệt trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm, không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.
* Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn cứu hộ vụ sạt lở thủy điện.
Trước đó, đêm 10-10, mưa lớn đã làm sạt lở, vùi lấp tổ máy của thủy điện Kà Tinh 1, huyện Trà Bồng, một công nhân đang trực máy tại đây bị mất liên lạc. Hiện trường Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1 tan hoang, khung sắt bị đất, đá từ trên cao đổ xuống làm nghiêng hẳn sang một bên. Bên trong nhà điều hành ngổn ngang đất đá. Gần như các thiết bị cơ giới bên trong nhà điều hành bị hư hỏng hoàn toàn.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn cứu hộ vụ sạt lở thủy điện. |
Hiện trường vụ sạt lở. |
Hiện trường Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1 tan hoang, khung sắt bị đất, đá từ trên cao đổ xuống làm nghiêng hẳn sang một bên. |
Ngay khi tiếp cận, đánh giá hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương lập phương án đưa các lực lượng, thiết bị chuyên dụng vào sâu trong hiện trường, có giải pháp tìm kiếm, cứu nạn người bên trong lớp đất đá vùi lấp nếu có. "Phương án ứng cứu một cách hữu hiệu, phải xây dựng kịch bản linh hoạt và ứng cứu kịp thời, đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho các cá nhân tham gia công tác cứu nạn cứu hộ", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhấn mạnh.
Tính đến 10 giờ ngày 11-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đợt mưa lũ kèm theo dông lốc đã làm tốc mái 17 ngôi nhà và làm 1 người bị thương; nhiều tuyến đường bị sạt lở và cầu cống, khu dân cư ngập sâu. Dân quân ở các địa phương bị thiệt hại đang hỗ trợ nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả trước mắt.