A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lạng Sơn là "phên giậu quốc gia" về quốc phòng, an ninh, là "phên giậu về kinh tế"

Sáng 25-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt tỉnh Lạng Sơn về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Cùng dự có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

 Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn báo cáo kết quả các mặt công tác nổi bật của địa phương từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Theo đó, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực đổi mới sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Trên cơ sở nội dung báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn và các ý kiến thảo luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đạt được trong thời gian qua.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự buổi làm việc.

Tổng Bí thư cho rằng, mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song Lạng Sơn đã có quyết tâm rất cao trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; có nhiều tiến bộ trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, Tổng Bí thư ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được của Lạng Sơn trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; chủ quyền an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển; hợp tác hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Tích cực, chủ động xây dựng Lạng Sơn thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh. Hoạt động đối ngoại được chú trọng mở rộng; đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực vào những thành tựu đối ngoại chung của cả nước.

Nhấn mạnh vai trò của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn là Đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền có nhiều tiến bộ; tỉnh thuộc nhóm đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng có nhiều đổi mới; mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được tăng cường.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế; đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt cần đi sâu phân tích rõ hơn về nguyên nhân của những hạn chế, nhất là những nguyên nhân chủ quan, để sớm có các giải pháp, quyết tâm khắc phục cho bằng được trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao ảnh Bác Hồ tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn.  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu trồng cây lưu niệm tại trụ sở Tỉnh ủy Lạng Sơn. 

Về mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về tình hình và bối cảnh chung; những thuận lợi và khó khăn riêng của một tỉnh miền núi, biên giới đi lên từ nông, lâm nghiệp, nhưng cũng có rất nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch, dịch vụ và công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao; đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu, nơi có nhiều cửa khẩu quan trọng của quốc gia. Cần xác định rõ, phát triển kinh tế cửa khẩu không chỉ để phát triển kinh tế của tỉnh, mà quan trọng hơn là để góp phần phát triển kinh tế của cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc, đồng thời tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy với nước bạn Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Nhấn mạnh trọng trách là "phên giậu quốc gia" về quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng là "phên giậu về kinh tế", bảo vệ vững chắc thị trường nội địa cũng chính là bảo vệ chủ quyền, an ninh kinh tế của đất nước, Lạng Sơn phải đặc biệt coi trọng chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển; chủ động thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Đảng bộ Lạng Sơn làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nhất là phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trước hết là đoàn kết nội bộ trong các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt đoàn kết trong Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, từ đó lan tỏa, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc. Đảng bộ địa phương cần không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; đồng thời bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật