A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăm sóc tốt sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh

Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ có vậy, đã có nhiều bà mẹ thay đổi suy nghĩ, không những bảo đảm an toàn trong thời gian mang thai mà thuận lợi hơn trong việc chăm sóc con và bản thân.

Thay đổi từ những buổi truyền thông

Tại buổi truyền thông về dinh dưỡng, khám sức khỏe sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 15 đến 60 tuổi, chị Hà Thị Nở (dân tộc Tày) cho biết, khi mang thai lần đầu, mọi hiểu biết của chị về giữ an toàn thai sản chỉ là truyền miệng, theo kinh nghiệm học từ người lớn trong nhà và trong bản. Đến khi sinh con, chị cũng theo cách nuôi con truyền miệng nên cho bé cai sữa sớm, chưa biết kết hợp những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng trong các bữa ăn khiến cháu bị suy dinh dưỡng khá nặng.

“Rút kinh nghiệm từ lần mang bầu trước, khi mang bầu bé thứ hai, tôi đã được các nhân viên y tế tại Trạm Y tế xã Sơn Phú (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) tư vấn lúc mang thai cần phải ăn uống đủ chất, vệ sinh, để cả con và mẹ đều mạnh khỏe. Tôi sinh con thứ 2 được 2,6 kg và cho con bú sữa mẹ tới tháng thứ 17. Định kỳ mồng 10 hằng tháng đưa con đi tiêm chủng đầy đủ".

Buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Trạm Y tế xã Sơn Phú.

Còn chị Lý Thị Hằng, người dân ở thôn Bản Dạ, xã Sơn Phú cho biết, năm nay chị Hằng 28 tuổi và vừa sinh bé thứ 2 được 19 tháng. Ở lần mang thai thứ 2 này, theo hướng dẫn của cán bộ y tế cứ 3 tháng chị lại đến trạm y tế khám để được theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

Y sĩ Quan Trung Sỹ, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sơn Phú thông tin, kể từ khi triển khai dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, những buổi truyền thông, tư vấn dinh dưỡng, khám sức khỏe sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 15 đến 60 tuổi được tổ chức khá thường xuyên. Đặc biệt xã còn phối hợp với chương trình phát triển vùng tổ chức mô hình tư vấn thăm hộ gia đình và quản lý thai nghén, chăm sóc bà mẹ mang thai. Nhờ đó, hiểu biết của bà mẹ về cách chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai và quá trình nuôi trẻ được nâng cao, hành vi chăm sóc trẻ cũng có nhiều thay đổi so với trước kia. Đặc biệt, ở Sơn Phú bây giờ còn rất ít sản phụ sinh tại nhà, nếu có chỉ là chị em đồng bào dân tộc Mông, do tập quán và do địa bàn họ ở quá xa nên khi trở dạ không kịp đến cơ sở y tế. Trong 9 tháng đầu năm, xã Sơn Phú có 23 bà mẹ mang thai, tỷ lệ khám thai 3 lần theo khuyến cáo đạt 95% và không có trường hợp nào bị tai biến sản khoa...

Truyền thông về sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn tại Trạm y tế xã Đà Vị.

Ở xã Đà Vị, cách trung tâm huyện Na Hang 38km, địa hình phức tạp, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, chúng tôi cũng đã gặp những bà mẹ cùng nhau đến nghe buổi truyền thông về giáo dục làm mẹ an toàn ở trạm y tế xã nhân Tuần lễ “Làm mẹ an toàn”. Chị Hà Thị Dẫn (1992, thôn Bắc Lè, xã Đà Vị) một trong những bà mẹ được học qua lớp chăm sóc trẻ 1.000 ngày đầu đời chia sẻ khó khăn trong nuôi con là ít sữa. “Thấy tôi ít sữa, mẹ chồng bảo cho con ăn thêm bột nhưng con mới được 3-4 tháng, tôi có nghe tư vấn phải đến 6 tháng mới cho ăn bổ sung. Mẹ chồng tôi bảo ngày xưa mẹ nuôi như thế có sao đâu thế, tôi phải thuyết phục mẹ cho uống thêm sữa công thức vì ăn bột hệ tiêu hóa chưa phát triển hết sẽ có hại cho đường ruột của con”, chị Dẫn chia sẻ.

Còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em; phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phó trưởng Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang, bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên cho biết, để bà con thay đổi cách nuôi con, chăm sóc mẹ bầu đã thành "lối mòn", Trung tâm đã triển khai kế hoạch xuống tận huyện, sau đó cho các xã. Chủ chốt là công tác tuyên truyền cho các bà mẹ ở vùng sâu, vùng xa có thể đến trạm y tế để thăm khám, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường thì có thể chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên cũng cho biết thêm, Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang 2 năm nay cũng chỉ có 2 cán bộ thay nhau triển khai các hoạt động. Cùng với nhân lực là những hạn chế về kinh phí.

Y sĩ Quan Trung Sỹ, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sơn Phú tặng quà cho một bà mẹ đưa con đến khám tại Trạm y tế xã Sơn Phú.

Bác sĩ Trần Tuấn Bình, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Na Hang, chia sẻ, để thực hiện mục tiêu cải thiện sức khỏe của người dân trên địa bàn, huyện Na Hang đã triển khai mô hình tư vấn tiền hôn nhân, mô hình “chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời”, trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông tới xã, thôn, bản, cung cấp viên sắt, viên đa vi chất cho phụ nữ có thai. Tuy nhiên để triển khai tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh vẫn còn nhiều khó khăn mà huyện và cả tỉnh Tuyên Quang phải đối mặt. Trong đó nhân lực và kinh phí là 2 vấn đề trọng tâm nhất. Na Hang có 12 xã, 1 thị trấn nhưng có 3 xã chưa có bác sĩ. Có 6 xã bác sĩ làm việc và ở tại chỗ, những xã còn lại bác sĩ làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần tại trạm. Bên cạnh đó để một bác sĩ chấp nhận rời thành phố về cấp xã là rất khó, kể cả là bác sĩ mới ra trường.

Từ ngày 1-10 đến 7-10 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ Y tế triển khai Tuần lễ làm mẹ an toàn, có chủ đề “Làm mẹ an toàn-Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé”. Thời gian diễn ra tuần lễ, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn; cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn cho 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương; ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã; ít nhất 30% số gia đình, nhất là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã… (Nguồn: Bộ Y tế)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật