A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động theo dõi diễn biến bệnh do virus Marburg

Virus Marburg xuất hiện từ năm 1967, nhưng tại Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm nào. Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, nguy cơ virus Marburg xâm nhập vào Việt Nam rất thấp, người dân không nên hoang mang mà cần bình tĩnh và thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng, chống kịp thời.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, virus Marburg là một chủng virus cùng họ với virus Ebola, lây từ động vật sang người với vật chủ tự nhiên là một loài dơi ăn quả. Người có nguy cơ lây nhiễm cao thường là những người sống và tiếp xúc nhiều với các loài dơi hoang dã trong các hang động tại châu Phi. Giống như Ebola, virus Marburg lây qua tiếp xúc gần với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, qua đường máu, quan hệ tình dục hoặc trong quá trình chăm sóc y tế, trong phòng thí nghiệm. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa từng phát hiện ca nhiễm virus Marburg.

Hình ảnh hiển vi điện tử quét màu của các hạt virus Marburg (màu xanh lam) dính vào bề mặt của các tế bào VERO E6 bị nhiễm bệnh (màu vàng). Ảnh: Getty Images 

PGS, TS Đỗ Duy Cường cho biết, khi vào cơ thể người, virus Marburg sẽ ủ bệnh trong vòng 21 ngày, thường khởi phát đột ngột với các biểu hiện ban đầu giống như sốt virus thông thường, như: Cơ thể sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mỏi cơ khớp, buồn nôn... Sau đó, bệnh nặng lên có thể gây rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, tỷ lệ tử vong cao, từ 30-90%. Đến nay, bệnh do virus Marburg gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị (chủ yếu chữa triệu chứng), chưa có vaccine phòng bệnh. Các biện pháp điều trị chủ yếu hiện nay là phát hiện sớm, chăm sóc hỗ trợ triệu chứng, dự phòng biến chứng như bù nước và chất điện giải thở oxy, truyền máu cũng như điều trị các triệu chứng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang đánh giá hiệu quả của các biện pháp điều trị tiềm năng như kháng thể đơn dòng hoặc vaccine liệu pháp.

Theo ý kiến của PGS, TS Đỗ Duy Cường, đây là bệnh đã từng lưu hành lẻ tẻ ở Châu Phi. Trên thực tế, khả năng virus Marburg lan rộng ra các quốc gia ở những châu lục khác trong đó có Việt Nam là rất hiếm. Tuy nhiên, PGS, TS Đỗ Duy Cường cũng khuyến cáo, đây là một loại virus nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao, do đó, tuyệt đối không thể lơ là trong vấn đề phòng bệnh. Việc trang bị đầy đủ các kiến thức phòng ngừa, phát hiện sớm triệu chứng, áp dụng các biện pháp cách ly và dự phòng lây nhiễm là rất quan trọng. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay là nên hạn chế đến khu vực phát hiện virus, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và tránh tiếp xúc trực tiếp với người nghi nhiễm bệnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết