A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chú trọng phát triển chuyên ngành truyền nhiễm

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đương đầu với sự xuất hiện và lan truyền của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, cả thế giới chứng kiến sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. Những biến động đó cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cũng như chú trọng phát triển nhân lực cho chuyên ngành truyền nhiễm.

Đã có chính sách khuyến khích, động viên người học 

Trong bối cảnh hiện đại và toàn cầu hóa, các mối đe dọa liên quan đến bệnh truyền nhiễm, nhất là những bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và có khả năng lan rộng ra tất cả quốc gia. Bởi vậy, việc giám sát nhằm phát hiện sớm và xác định được những yếu tố nguy cơ là một trong những giải pháp then chốt mà các quốc gia cần lưu ý. Tuy nhiên, thời gian qua, chuyên ngành truyền nhiễm lại chưa được quan tâm đúng mức. Mới đây, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã đề cao vai trò đào tạo nhân viên y tế trong lĩnh vực truyền nhiễm. Tại buổi công bố Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: “Luật quy định cụ thể chính sách của Nhà nước trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Có chính sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu. Hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành trên nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước”.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: MAI THANH 

GS, TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết: "Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chú trọng đến chuyên ngành truyền nhiễm là cơ hội tốt cho ngành, có thể hấp dẫn được sinh viên và học viên. Tuy nhiên, mới chỉ dừng ở việc hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt thì chưa đủ. Bởi, sau khi ra trường, làm việc ở những khoa truyền nhiễm tại các bệnh viện, nhân viên y tế có nguy cơ cao bị lây bệnh, trong khi chế độ đãi ngộ thấp nên rất ít người còn trụ lại được với nghề. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ, Nhà nước cần nâng cao chế độ đãi ngộ cho những nhân viên làm trong môi trường truyền nhiễm”.

Cần đãi ngộ xứng đáng bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm

Theo bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm (Trường Đại học Y Hà Nội), thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Mỗi năm chỉ có khoảng 25 bác sĩ được đào tạo chuyên ngành truyền nhiễm. Con số này quá là ít ỏi. Nếu chúng ta tính tổng số bệnh viện tại Việt Nam khoảng 1.200 cơ sở, theo đúng quy định thì mỗi cơ sở phải có 1 khoa truyền nhiễm, mỗi khoa cần tối thiểu 4 bác sĩ truyền nhiễm thì chúng ta còn thiếu khoảng hơn 4.000 bác sĩ truyền nhiễm. Mặt khác, mặc dù Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định các bệnh viện đa khoa từ tuyến huyện trở lên phải có khoa truyền nhiễm, nhưng do các bệnh viện không thiết lập được khoa truyền nhiễm nên không thiết lập được vị trí việc làm cho người học và ít người muốn học để vào làm vị trí đó. Đó là lý do vì sao số người đi học chuyên ngành truyền nhiễm tương đối ít bởi nếu có học xong cũng không có khoa truyền nhiễm để họ làm việc.

Là bác sĩ hoạt động lâu năm trong chuyên ngành truyền nhiễm, PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: Hiện nay, các dịch bệnh lây nhiễm nguy hiểm mới nổi, tái nổi luôn rình rập, tạo gánh nặng cho ngành y tế, trong khi chuyên ngành truyền nhiễm chưa được chú trọng, đầu tư và quan tâm đúng mức về cơ sở vật chất, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chuyên sâu, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, Nhà nước, Bộ Y tế cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho những khoa truyền nhiễm trong các bệnh viện (phòng bệnh bảo đảm điều kiện cách ly, đủ dung dịch sát khuẩn, tiệt trùng, khẩu trang, quần áo bảo hộ...), nâng cao năng lực các phòng xét nghiệm để chẩn đoán sớm và xét nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu. Ngoài ra, hệ thống y tế dự phòng cần củng cố lực lượng chống dịch từ y tế Trung ương đến cơ sở, tạo thành mạng lưới phòng dịch vững chắc. Đội ngũ nhân lực làm việc trong chuyên ngành truyền nhiễm cần có chế độ đãi ngộ, tuyển dụng, nâng cao trình độ để đáp ứng với tình hình mới, tránh khủng hoảng nhân lực như hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết