Đưa nhà ở xã hội đến đúng đối tượng
Chính sách nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển nguồn cung nhà ở xã hội đã được ban hành. Thế nhưng, có được quỹ nhà ở xã hội đã khó, việc làm sao để công nhân, người lao động có thu nhập thấp tiếp cận được với nhà ở xã hội là điều được các đại biểu Quốc hội trăn trở.
Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) nhấn mạnh tới mục tiêu khi phát triển nhà ở xã hội là dành cho người có thu nhập thấp, đây cũng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở của Đảng và Nhà nước. Song, theo đại biểu, tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) việc xác định thế nào là người có thu nhập thấp chưa được quy định cụ thể. Dự thảo có quy định 12 loại đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội nhưng cần cụ thể hóa tiêu chí người có thu nhập thấp với từng đối tượng cụ thể để bảo đảm chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng được hưởng chính sách và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp...
Một dự án nhà ở xã hội ở huyện Đông Anh (Hà Nội), gồm hơn 1.500 căn hộ để bán, cho thuê và thuê mua. Ảnh: TTXVN |
Có thể thấy những băn khoăn của đại biểu Quốc hội là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, thực tế hiện nay cho thấy, vi phạm trong việc mua, bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng còn diễn ra khá phổ biến; có hiện tượng trung gian, cò mồi lợi dụng khan hiếm để mua đi bán lại nhà ở xã hội nhằm trục lợi; nhiều người có nghề “tay trái” tạo ra thu nhập cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần so với thu nhập của nghề chính thể hiện trên bảng tiền lương, tiền công chính thức vẫn thuộc diện được mua nhà ở xã hội, cho thấy nhiều lỗ hổng trong quy định đối tượng mua loại nhà cho người thu nhập thấp này. Điều này không chỉ khiến người thu nhập thấp, có nhu cầu thực sự không được hưởng thụ chính sách mà còn làm méo mó chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước.
Bảo đảm chính sách nhà ở xã hội đến đúng đối tượng thụ hưởng cũng chính là bảo đảm công bằng xã hội và góp phần giúp thị trường bất động sản có cơ cấu hợp lý, cân bằng cung-cầu. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Đây sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai để tăng nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới. Điều cần thiết lúc này là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần sớm bổ sung những quy định, tiêu chí cụ thể để xác định đúng đối tượng được hưởng thụ chính sách, nhất là tiêu chí thế nào là người có thu nhập thấp. Về phía các địa phương, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát quản lý chặt việc mua, bán nhà ở xã hội. Nếu địa phương phát hiện trường hợp mua, bán không đúng quy định phải kiên quyết thu hồi. Đối với doanh nghiệp, chủ đầu tư khi xây dựng dự án nhà ở xã hội phải nắm bắt thông tin về việc mua, bán nhà thuộc dự án của mình để góp phần đưa nhà ở xã hội được mua, bán đúng đối tượng.