A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thận trọng với xoắn tinh hoàn ở trẻ

Chị Nguyễn Minh, ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ hỏi: Tôi được biết, trẻ nhỏ cũng có nguy cơ bị xoắn tinh hoàn. Đề nghị bác sĩ cho biết làm thế nào để phát hiện sớm xoắn tinh hoàn ở trẻ?

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi Tổng hợp (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) cho biết: Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính, trong đó 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21. Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động quá mức quanh thừng tinh dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu. Hậu quả dẫn đến tắc mạch máu cấp tính, nếu không giải phóng kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử tinh hoàn.

Phẫu thuật cho bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn. Ảnh: suckhoedoisong.vn 

Tuy nhiên cũng đã có trường hợp bị xoắn tinh hoàn từ khi còn nhỏ. Mới đây, Khoa Ngoại nhi Tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 2 tuổi ở Vĩnh Phúc vào viện trong tình trạng sưng đau, nề đỏ vùng bìu. Sau khi siêu âm vùng bẹn-bìu, bệnh nhi được chẩn đoán bị xoắn tinh hoàn trái ngày thứ ba và ngay lập tức được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận tinh hoàn trái xoắn hai vòng đã hoại tử, tím đen. Sau khi tháo xoắn, đánh giá tinh hoàn đã hoại tử hoàn toàn, các bác sĩ giải thích với người nhà bệnh nhi và tiến hành cắt bỏ toàn bộ tinh hoàn trái; đồng thời cố định tinh hoàn bên phải để hạn chế nguy cơ xoắn. Hiện tại, sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhi ổn định, vết mổ khô, vùng bìu đỡ sưng nề, trẻ ăn uống tốt, không sốt, đang tiếp tục được theo dõi và cần được chăm sóc cẩn thận để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản sau này.

Xoắn tinh hoàn biểu hiện bằng cơn đau nhói ở bìu, vùng bìu sưng to. Khi khám lâm sàng, tinh hoàn bên xoắn treo cao hơn bên còn lại. Việc phát hiện và điều trị cấp cứu sớm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong trường hợp này. Nếu người bệnh được đưa đến viện sớm, trong 6 giờ đầu sau khi xuất hiện các triệu chứng cảnh báo thì khả năng bảo tồn được tinh hoàn là rất cao. Xoắn tinh hoàn nếu không được điều trị kịp thời dễ gây hoại tử tinh hoàn, dẫn đến mất chức năng của tinh hoàn, gây vô sinh.

Tuy nhiên, xoắn tinh hoàn lại hay bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác, đặc biệt là viêm tinh hoàn. Có rất nhiều trường hợp người bệnh bị xoắn tinh hoàn nhưng chẩn đoán nhầm với bệnh viêm tinh hoàn khiến cho người bệnh mất đi thời gian vàng cứu tinh hoàn, dẫn đến hoại tử tinh hoàn, phải cắt bỏ tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân cần được phẫu thuật can thiệp nhanh chóng và kịp thời. Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn chỉ trong 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Từ 6 đến 12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20%, sau 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn.

Qua trường hợp của em bé 2 tuổi trên, chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh cần rất thận trọng trong quan sát các dấu hiệu bất thường ở con. Nếu thấy trẻ xuất hiện triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu hoặc bìu sưng to, nề đỏ thì cần cho trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Các thắc mắc về sức khỏe xin gửi về Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn, kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết