A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiểm định đầu vào công chức

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP (Nghị định 06) quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Với việc đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia thi tuyển công chức, Nghị định 06 được kỳ vọng góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao chất lượng đầu vào công chức, trên cơ sở công tác kiểm định bảo đảm minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 10-4-2023, các thí sinh mong muốn thi tuyển công chức thực sự công bằng thêm phấn khởi khi Nghị định 06 tạo ra một thể chế khách quan, với việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào tách khỏi hội đồng thi tuyển, tránh tình trạng “tay nọ bỏ tay kia” như lâu nay. Hơn nữa, khi thực hiện kiểm định, các cơ quan quản lý nhà nước không phải tiến hành thi công chức hai vòng như hiện nay mà chỉ tổ chức một vòng thi nghiệp vụ chuyên ngành để tuyển dụng. Triển khai tốt công tác này sẽ tiết kiệm được nguồn lực, giảm bớt thời gian tuyển dụng, giúp các cơ quan, đơn vị chọn được người đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở vị trí cần thiết.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Thực hiện hiệu quả việc kiểm định đầu vào công chức được xem là một đột phá trong cơ chế tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Lợi ích của việc này thì đã rõ. Vấn đề ở chỗ cần bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng nhất, công khai, minh bạch, đánh giá thực chất kiến thức nền của mỗi thí sinh và quan trọng là đáp ứng tính hiệu quả trong tuyển dụng. Để làm tốt điều đó thì các cơ quan chức năng, nhất là những người trực tiếp tiến hành kiểm định cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc được nêu rõ trong Nghị định 06: Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật. Các thông tin liên quan tới tuyển dụng phải được công bố rộng rãi, rõ ràng đến nhiều đối tượng trong xã hội, tạo thuận lợi cho nhân dân tham gia giám sát, tránh việc cố ý thu hẹp phạm vi người được thông tin nhằm mục đích vụ lợi, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Điều rất cần thiết là quan tâm những biện pháp đánh giá phẩm chất, nhân cách, thái độ công tác, tinh thần phục vụ của các ứng viên...

Thực tiễn cho thấy, hoạt động tuyển dụng công chức được thực hiện hiệu quả không chỉ bổ sung cho vị trí khuyết thiếu mà còn tạo nền tảng nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi công vụ. Trong những năm qua, hoạt động tuyển dụng công chức ở nước ta có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn không ít thách thức, tồn tại. Mặc dù nội dung thi tuyển công chức tương đối toàn diện nhưng chưa kiểm tra được toàn diện kỹ năng của người dự tuyển. Vấn đề nhức nhối là việc tuyển dụng công chức ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc. Ngoài hiện tượng chạy chọt thì vẫn còn tình trạng tuyển dụng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, gây tâm lý tiêu cực trong dư luận xã hội. Những tồn tại nêu trên cho thấy, việc kiểm định chất lượng đầu vào có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới mô hình tuyển dụng công chức hiện nay. 

Để kiểm định đầu vào công chức tạo được đột phá, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình thực hiện, kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện cách thức tiến hành, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để tuyển chọn người thực sự có đức, có tài từ nguồn tài nguyên nhân lực rộng lớn của xã hội.


Tags: công chức
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật