A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Pháp luật quy định như thế nào về nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng?

Bạn đọc Vũ Thị Thanh, nhân viên thư viện, Phòng Chính trị, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 109/2021/TT-BQP ngày 23-8-2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 113/2016/TT-BQP ngày 23-8-2016 quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Cụ thể như sau:

1. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quyết định nghỉ hưu, được nghỉ chuẩn bị hưu (nghỉ để chuẩn bị hậu phương gia đình) như sau:

a) Từ đủ 20 năm công tác đến dưới 25 năm công tác được nghỉ 9 tháng;

b) Từ đủ 25 năm công tác trở lên được nghỉ 12 tháng.

2. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có đủ điều kiện nghỉ hưu, nếu có nguyện vọng không nghỉ chuẩn bị hưu (hưởng lương hưu ngay) hoặc nghỉ không đủ thời gian quy định, thì khi nghỉ hưu được hưởng khoản tiền chênh lệnh giữa tiền lương của tháng cuối cùng trước khi hưởng lương hưu với tiền lương hưu tháng đầu tiên đối với số tháng không nghỉ chuẩn bị hưu.

3. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ chuẩn bị hưu tại gia đình phải đăng ký thời gian nghỉ với UBND xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật Cư trú.

4. Trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu, nếu mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 157/2013/TT-BQP ngày 26-8-2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về quản lý, điều trị, chăm sóc, giải quyết chính sách đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu do Quân đội quản lý bị bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần.

* Bạn đọc Lương Văn Tần ở xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, những người nào có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 400 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Cụ thể như sau:

1. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

2. Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án quân sự cấp quân khu, tòa án quân sự khu vực.

3. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.


Tags: quy định
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết