A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan tỏa văn hóa uống có trách nhiệm

Đồ uống nói chung, bao gồm bia, rượu, nước giải khát và đồ uống có cồn nói riêng là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa mang tính thiết yếu, vừa gắn liền với những đặc trưng văn hóa. Để ngành đồ uống phát triển bền vững, các nhà quản lý, nhà sản xuất khuyến cáo người tiêu dùng nên uống làm sao có văn hóa, trách nhiệm, không lạm dụng đồ uống có cồn, “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo các chuyên gia ẩm thực, đồ uống có cồn được sản xuất từ tự nhiên, từ các sản phẩm nông nghiệp (ngũ cốc, trái cây, rau quả...) và một số thành phần bổ sung khác. Nếu sử dụng đúng, phù hợp các loại đồ uống có cồn sẽ có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, văn hóa uống rượu, bia của người Việt Nam rất khác với văn hóa uống rượu của người nước ngoài nói chung. Nếu người nước ngoài coi uống rượu là một lễ nghi xã giao trang trọng, thì người Việt Nam hướng đến một cuộc vui trọn vẹn không câu nệ.

 Nâng cao văn hóa uống khi sử dụng rượu, bia. Ảnh: nongnghiep.vn

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận hiểu sai về văn hóa uống rượu, bia; uống không có trách nhiệm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn tới những hệ lụy không đáng có cho gia đình và toàn xã hội. Điển hình như việc uống rượu, bia khi lái xe là vô cùng nguy hại. Thực tế chứng minh rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.

Nói về văn hóa uống rượu, bia, ông Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: "Rượu, bia không có lỗi, cách uống rượu, bia không đúng gây ra chuyện". Trên thực tế, khi người tiêu dùng biết cách sử dụng đồ uống một cách thông minh và hợp lý sẽ mang lại giá trị tốt cho sức khỏe, thậm chí có loại đồ uống còn là bài thuốc dân gian chữa bệnh cho con người. Còn ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam nhấn mạnh: Không chỉ đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước (khoảng 3,2% tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2020), ngành sản xuất, kinh doanh đồ uống còn tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, bao gồm cung ứng nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất, bao bì, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, phân phối, dịch vụ tiêu thụ trực tiếp... Để ngành đồ uống nói chung, đồ uống có cồn phát triển bền vững, mỗi người cần tự nâng cao nhận thức, uống có trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình, xã hội và pháp luật, để tránh những hệ lụy xấu.

Với thị trường rộng lớn của Việt Nam, ngành đồ uống sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Song để phát triển bền vững, tạo thiện cảm cho người tiêu dùng, các nhà sản xuất cần nghiên cứu phát triển phong phú các sản phẩm đồ uống có lợi cho sức khỏe; phù hợp thể trạng với người Việt Nam. Còn người tiêu dùng cần uống có văn hóa, không thúc ép uống và hơn thua trên bàn tiệc, thể hiện giao lưu văn minh trong xã hội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật