A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lừa đảo từ những cuộc gọi rác và cách đối diện với những số máy lạ

Sau khi tin nhắn rác không còn xuất hiện nhiều thì bây giờ các cuộc gọi rác lại xuất hiện với tần suất dày đặc, gây phiền toái cho người dân, thậm chí nhiều người còn bị lừa đảo, mất tiền oan.

Nguy hiểm rình rập từ những số máy lạ

Những ngày qua, rất nhiều phụ huynh học sinh tại TP Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ những số điện thoại lạ thông báo con mình bị tai nạn. Sau đó các đối tượng yêu cầu phụ huynh chuyển tiền đến số tài khoản lạ để nộp viện phí.

Có người thì tỉnh táo, bình tĩnh gọi điện đến cho cô giáo chủ nhiệm, nhà trường hoặc đến thẳng bệnh viện để kiểm tra thông tin. Tuy nhiên, nhiều người không đủ bình tĩnh khi nghe tin nguy hiểm về con cái mình nên đã vội vã nghe theo kẻ xấu, chuyển tiền vào tài khoản dẫn đến bị lừa đảo mất tiền, có những trường hợp đã bị mất số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nguy cơ bị lừa đảo từ những cuộc gọi rác. 

Tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày 9-3, liên quan đến tình trạng nhiều phụ huynh bị lừa chuyển khoản hàng chục đến cả trăm triệu đồng khi nhận thông tin con mình phải nhập viện cấp cứu, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản các đối tượng sử dụng là mạo danh nhân viên bệnh viện, giáo viên và những người liên quan nói học sinh bị tai nạn cấp cứu, yêu cầu chuyển khoản gấp để thanh toán viện phí. Các đối tượng chia vai nhau để cùng lừa các phụ huynh trong mỗi vụ việc, có người mạo danh giáo viên, người đóng vai bác sĩ và những người liên quan khác.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận một số trường hợp đến tìm thông tin sau khi nhận thông báo từ "thầy giáo" về việc con bị tai nạn đang cấp cứu tại đây.

Ngay sau đó, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp xúc 5 phụ huynh có con học cấp 2 ở nhiều trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Trong 5 phụ huynh đã có 2 người bị lừa chuyển tiền vào tài khoản của "giáo viên", tổng số tiền ghi nhận gần 250 triệu đồng.

Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo nếu gặp trường hợp tương tự, phụ huynh có thể liên hệ đến tổng đài qua số điện thoại 028.3855.4137, nhấn phím 0. Sau đó, báo tổng đài viên kết nối đến khoa/phòng điều trị có liên quan để xác nhận thông tin người nhà nằm viện, các khoản viện phí, số tài khoản thanh toán của bệnh viện trước khi chuyển khoản.

Bà Nguyễn Thị Liên, tổ 20 phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hằng ngày, ít nhất bà phải tiếp nhận từ 3 đến 5 cuộc gọi với các nội dung tư vấn tài chính, chứng khoán, điện tử thương mại. Đã có lúc bà Liên chặn tất cả các cuộc gọi từ số lạ để đỡ đau đầu nhưng vì công việc làm ăn nên lại phải mở ra, đành chấp nhận “sống chung với lũ” nhưng thường tắt máy ngay khi thấy nội dung không liên quan đến việc kinh doanh của mình.

Cuộc gọi rác xuất phát từ sim rác chưa chuẩn thông tin

Tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8-2022, Bộ Công an đánh giá tình trạng sim rác, mua bán tài khoản ngân hàng và việc chưa có giải pháp quản lý cuộc gọi VOIP là những khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo việc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phối hợp cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp để xác thực, giải quyết các vụ việc. Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, nếu chúng ta giải quyết được vấn đề này thì hoạt động trên môi trường mạng sẽ lành mạnh hơn rất nhiều. Tiến tới lọc sạch sim rác theo lộ trình, vấn đề về sim rác hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Liên quan đến vấn đề lừa đảo qua điện thoại, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, khi đã xác định được, định danh được, xóa bỏ được hoạt động ẩn thì những hoạt động tội phạm trên mạng nói chung, cũng như những hoạt động lừa đảo sẽ xác định được. 

Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận sim rác đang bị lợi dụng để phát thực hiện cuộc gọi rác, quấy rối, lừa đảo. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường sim hiện nay còn tồn tại các vấn đề như: Bán sim nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; chấp nhận đăng ký thuê bao bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; quản lý chưa chặt dẫn tới việc thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ, sim không chính chủ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn để xảy ra tình trạng nhân viên sử dụng thông tin cá nhân hoặc thông tin của người khác để đăng ký thuê bao, sử dụng hồ sơ đăng ký thuê bao lần đầu để kích hoạt thêm sim cho người sử dụng.

 Tình trạng bán sim rác vẫn diễn ra trên mạng và một số nơi trong các thành phố lớn. Ảnh minh họa: Vietnamplus.vn

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chip để rà soát 100% thông tin chủ thuê bao nhưng đến nay, tình trạng bán sim rác vẫn diễn ra như bình thường ở trên mạng và các cửa hàng kinh doanh sim, số.

Theo thống kê của Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 10-2022, Việt Nam có hơn 127 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành viễn thông năm 2023 là "chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xử lý triệt để tình trạng sim có thông tin không đúng quy định, sim không chính chủ".

Như vậy, trong khi chờ đợi các cơ quan quản lý nhà nước xử lý sim rác thì mỗi người dân cần tự bảo vệ mình trước các cuộc gọi rác, tuyệt đối không làm theo, nghe theo hướng dẫn hoặc chuyển tiền đến tài khoản những người không quen biết, cho dù họ tự xưng đại diện cho bất cứ một cơ quan, tổ chức nào.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật