Mù mắt vì nghĩ thuốc nhỏ mắt có thể chữa được đục thủy tinh thể
Bị đục thủy tinh thể nhưng ông Đinh Văn H. (60 tuổi, ở Hòa Bình) chỉ sử dụng thuốc nhỏ mắt vì tưởng có thể chữa được bệnh... dẫn đến giảm thị lực, gây mù.
Ông H. đến khám mắt tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 trong tình trạng mắt trái đã nhìn mờ hoàn toàn, thị lực chỉ còn lại bóng bàn tay.
Sau khi khám chuyên sâu, bác sĩ cho biết mắt trái của ông H. bị đục thủy tinh thể gần một năm qua và có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, ông H. kiên quyết không chịu phẫu thuật mà lại nghĩ thuốc nhỏ mắt có thể chữa khỏi bệnh nên chỉ mua thuốc về sử dụng.
Bệnh nhân khi bị đục thủy tinh thể tốt nhất nên phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ |
"Thời gian đầu, tôi nhỏ thuốc Tobidex thấy mắt sáng hơn hẳn nên sử dụng thường xuyên, cứ hết thuốc lại mua. Nhà tôi lại ở huyện miền núi xa xôi, không có điều kiện khám mắt. Đến bây giờ nhỏ thuốc thấy không sáng rõ nữa tôi mới phải đi khám", ông H. chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ThS. BS Mai Thị Anh Thư - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 (người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân) cho biết, bệnh nhân H. bị đục thủy tinh thể và đã có chỉ định phẫu thuật nhưng không điều trị kịp thời, cộng với việc nhỏ thuốc không theo chỉ định của bác sĩ lâu dần khiến cho thị lực giảm dần và gây mù như tình trạng hiện nay.
Bệnh đục thủy tinh thể vốn được xem là bệnh của người già theo sự lão hóa tự nhiên của cơ thể. Khi thủy tinh thể không còn trong suốt, bị mờ đục, ánh sáng sẽ không thể xuyên qua thủy tinh thể khiến thị lực của người bệnh suy giảm.
Thuốc nhỏ mắt Tobidex là thuốc kết hợp giữa kháng sinh Tobramycin và chống viêm Dexamethasone, được chỉ định trong một số trường hợp viêm nhiễm tại mắt. Thuốc có giá thành rẻ, dễ mua nên được người dân tự ý sử dụng khá phổ biến hiện nay. Thuốc không có tác dụng điều trị đục thể thủy tinh thậm chí nếu dùng lâu dài không đúng chỉ định và không theo dõi thường xuyên có thể gây biến chứng đục thể thủy tinh và bệnh Glôcôm. Vì vậy, người bị đục thủy tinh thể nên thăm khám định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh.
Theo bác sĩ Anh Thư, bệnh đục thủy tinh thể không có thuốc điều trị. Khi thủy tinh thể bị đục nhiều gây giảm thị lực, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì cần phải can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật thay thể thủy tinh. Thủy tinh thể khi đã bị đục nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng dẫn đến mù lòa.
ThS. BS Anh Thư cho biết thêm, hiện nay phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo là một phương pháp phẫu thuật có độ an toàn cao, hiệu quả, mang lại thị lực nhanh chóng cho người bệnh.
"Đặc biệt lưu ý với các trường hợp bệnh nhân khi đã có chỉ định phẫu thuật thay thủy tinh thể tốt nhất nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, hạn chế tình trạng đến khi thủy tinh thể bị đục hoàn toàn, mắt không thể nhìn được nữa mới đến bệnh viện thăm khám như trường hợp của bệnh nhân H.", bác sĩ Anh Thư nhấn mạnh.
Trường hợp bệnh nhân còn e ngại với phương pháp phẫu thuật này do tâm lý chưa sẵn sàng, sợ rủi ro… tốt nhất nên thăm khám và được tư vấn bởi các bác sĩ có chuyên môn tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý sử dụng hoặc sử dụng quá liều lượng các loại thuốc nhỏ mắt trong điều trị bệnh đục thủy tinh thể, tránh biến chứng nguy hiểm.