A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn chặn ma túy trá hình mới xâm nhập học đường

Ma túy trá hình mới ẩn nấp dưới nhiều hình thức như thuốc lá điện tử, xì gà điện tử, shisha điện tử và thuốc lá nung nóng với các chất cực độc đang lôi kéo giới trẻ vào những cơn nghiện, tác động nguy hiểm tới sức khỏe. Với nhiều kiểu ngụy trang, ma túy trá hình mới đang chui sâu vào học đường và trẻ hóa đối tượng sử dụng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, ngăn chặn, đồng thời tạo ra hệ lụy nặng nề cho xã hội.

4 học sinh của một trường THPT ở TP Hà Nội có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, ngã ra sàn lớp học, phải nhập viện cấp cứu sau khi hút thuốc lá điện tử; 1 nữ sinh viên 20 tuổi ở TP Hà Nội bị ngừng tim sau khi được bạn rủ hút thuốc lá điện tử chứa cần sa... Nhiều vụ việc sử dụng ma túy trá hình mới liên quan đến các em học sinh thời gian qua cho thấy, ma túy nói chung và các loại ma túy trá hình mới nói riêng đang tấn công giới trẻ một cách đáng lo ngại. Theo thống kê của Bộ Công an cho thấy, 60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu là ở độ tuổi 15-25, trong đó, nhiều người đang là học sinh, sinh viên. Người sử dụng ma túy đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Công an huyện Sóc Sơn phổ biến tác hại của ma túy trá hình mới, thuốc lá điện tử tới học sinh và giáo viên Trường THCS Tân Dân. 

Nguy hại hơn, để xâm nhập sâu vào học đường, các đối tượng thậm chí thường xuyên tìm ra những cách thức mới để tiếp cận, dụ dỗ các bạn trẻ. Chúng đưa ma túy vào trong đồ ăn, thức uống để có thể gây nghiện được nhiều người dùng hơn. Điển hình, giữa tháng 4-2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện vụ việc pha trộn ma túy vào trà sữa bán cho trẻ em. Lực lượng chức năng phát hiện trên một xe ô tô 7 chỗ có một thùng xốp bên trong chứa 15 chai trà sữa dương tính với ma túy. Theo lời khai ban đầu của người điều khiển phương tiện là Nguyễn Thị Thái Dung (23 tuổi, ngụ tại TP Đà Lạt), Dung học cách pha chế và mua cần sa từ một người bạn, sau đó về xay cần sa, lọc lấy nước pha trộn với trà sữa. Mỗi ngày, Dung bán khoảng 20 chai cho các thanh, thiếu niên trên địa bàn, giá mỗi chai từ 150.000 đến 200.000 đồng. Những người dùng trà sữa của Dung sẽ nghiện và trở thành khách hàng thường xuyên.

Có mặt tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội (huyện Sóc Sơn), chúng tôi thấy có nhiều bạn trẻ đã phải vào điều trị cai nghiện. Trong số đó, có rất nhiều em vẫn còn trong lứa tuổi học sinh. NMH, 16 tuổi, là một trường hợp như vậy. Vì ham vui và nghe bạn bè dụ dỗ phải hút thuốc lá điện tử mới ra dáng người trưởng thành mà H đã sử dụng thuốc lá điện tử. Ngay từ lần hút đầu tiên em đã bị nghiện, vì trong thành phần thuốc có chứa ma túy. Sau khi được điều trị tại cơ sở cai nghiện, sức khỏe của em đã tốt hơn, nhưng với em, nhiều dự định tương lai gần như đã dang dở. NMH chia sẻ: “Em sử dụng thuốc lá điện tử có chứa cần sa. Ngay sau khi sử dụng, cảm giác của em rất hưng phấn, trong đầu lúc nào cũng vang lên tiếng nhạc và những âm thanh lớn. Em sử dụng cả khi vui và khi buồn. Sử dụng một thời gian, em thấy sức khỏe tiều tụy, đặc biệt ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh. Em mong câu chuyện của em là bài học cho các bạn trẻ, đủ hiểu biết để tránh xa ma túy, không để bị dụ dỗ sử dụng ma túy”.

 Công an huyện Sóc Sơn phổ biến tác hại của ma túy trá hình mới, thuốc lá điện tử tới học sinh và giáo viên Trường THCS Tân Dân. 

Có thể thấy, khi các em học sinh chưa có những hiểu biết đầy đủ về ma túy sẽ dẫn tới thái độ thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng với những loại ma túy trá hình đang xuất hiện phổ biến. Chính vì vậy, tuyên truyền tác hại của ma túy trong học đường là một nội dung quan trọng trong công cuộc đấu tranh đẩy lùi tệ nạn ma túy. Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy đã được quan tâm, triển khai đồng bộ ở các cấp học, trình độ đào tạo, đa dạng về hình thức thông tin, tuyên truyền và trở thành phong trào thường xuyên, liên tục ở hầu hết các địa phương, đơn vị.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào các chương trình học tập, sinh hoạt chính khóa, ngoại khóa với sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn, hội, đội trong nhà trường. Thời gian vừa qua, Công an TP Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các trường học đẩy mạnh công tác phòng, chống, ngăn ngừa các loại ma túy trá hình mới xâm nhập học đường. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Dân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi vô cùng lo lắng trước tình hình tệ nạn ma túy cũng như thuốc lá điện tử đang len lỏi vào các trường học. Tôi đã đọc rất nhiều thông tin về việc có thể trà trộn ma túy vào thuốc lá điện tử để bán cho các em học sinh. Những buổi tuyên truyền thực tế là điều kiện tốt nhất để các em học sinh được chia sẻ, đặt câu hỏi và được giải đáp các thắc mắc về việc phòng ngừa, phát hiện ma túy”.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Kiều Thị Quý, Phó đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Sóc Sơn cho biết: “Cần phải trang bị nhận thức từ các bậc cha mẹ, thầy cô và toàn xã hội. Mọi người luôn cho rằng ma túy thể mới xa vời, khó gây nghiện, nhưng không phải như vậy. Ma túy thế hệ mới có khả năng gây nghiện rất nhanh, đồng thời tàn phá hệ thần kinh trung ương, khiến người dùng không điều khiển được hành vi, thường xuyên hoang tưởng. Do đó, các bạn trẻ không được sử dụng dù chỉ một lần. Chúng ta cần phải trang bị cho con em mình hiểu về tác động của ma túy sẽ có hại gấp nhiều lần so với những thứ các em yêu thích khác, từ đó, các em sẽ có lựa chọn cách thể hiện bản thân phù hợp”.


Tags: ma túy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật