A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển công nghệ sinh học để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và cộng đồng

Ngày 30-1-2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới (Nghị quyết 36).

Một trong những giải pháp quan trọng là phải chủ động ứng phó với tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học; xử lý chất độc hóa học; bảo đảm an ninh sinh học trong nghiên cứu, sản xuất, làm chủ công nghệ sản xuất sản phẩm CNSH đặc thù phục vụ quốc phòng, an ninh. Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên, Giám đốc Học viện Quân y (HVQY) xoay quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, những năm qua, công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH của HVQY như thế nào?

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW (khóa IX) và Kết luận số 06-KL/TW (khóa XII) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ủy HVQY đã cụ thể hóa, xác định phương hướng, nhiệm vụ khoa học-công nghệ và môi trường theo từng giai đoạn cụ thể, xây dựng chương trình hành động, tập trung nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, trong đó đặc biệt coi trọng lĩnh vực công nghệ sinh học.

Đối với nghiên cứu ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y học quân sự, HVQY đã hoàn thành đề án CNSH phục vụ quốc phòng (2006-2010) gồm 7 nhánh đề tài, với hàng chục sản phẩm tiêu biểu phục vụ công tác đào tạo, điều trị, nghiên cứu khoa học. Giai đoạn 2011-2015, Học viện tiếp tục hoàn thành Đề án CNSH phục vụ quốc phòng về “Nghiên cứu chế tạo một số chế phẩm sinh học phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh cho bộ đội và cộng đồng”.

Lãnh đạo Học viện Quân y trao đổi với các chuyên gia Học viện Quân y Kirov (Liên bang Nga) về nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong điều trị. Ảnh: ĐÌNH TÙNG 

Ngoài ra, HVQY còn nghiên cứu một số giải pháp phòng, chống vũ khí sinh học trong chiến tranh công nghệ cao; nghiên cứu các biện pháp phòng, chống khủng bố bằng vi sinh vật tối nguy hiểm; chế tạo các kit chẩn đoán nhanh vi khuẩn than và dịch hạch. Nghiên cứu xây dựng cơ sở nguồn gene và nguồn chủng các mầm bệnh phục vụ kiểm soát các tác nhân sinh học; xây dựng quy trình chế tạo vaccine trực khuẩn mủ xanh; nghiên cứu biện pháp ứng phó tình huống bị tấn công bởi tác nhân sinh học vi khuẩn than và trực khuẩn dịch hạch; chế tạo kit PCR đa mồi xác định nhanh đồng thời hai tác nhân vi khuẩn than và dịch hạch; chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu hậu quả chất độc da cam/dioxin...

Cùng với đó, HVQY đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu CNSH, làm chủ các kỹ thuật và công nghệ y-sinh học tiên tiến trong dự phòng, chẩn đoán, điều trị, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe bộ đội và cộng đồng, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị; nghiên cứu hỗ trợ và điều trị bệnh lý hiếm muộn, vô sinh, dị tật bẩm sinh; nghiên cứu ứng dụng CNSH trong chẩn đoán, phát hiện tác nhân sinh học; nghiên cứu ứng dụng CNSH trong dược học và bào chế các sản phẩm góp phần bảo tồn phát triển nguồn dược liệu Việt Nam, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.

PV: Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị tác động tới thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện ra sao, thưa đồng chí?

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Có thể thấy rõ, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sinh học đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển khoa học, y học và chăm sóc sức khỏe con người. Hiện nay, CNSH đã, đang và sẽ được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán, điều trị cũng như phát hiện chính xác các vi sinh vật gây bệnh, các rối loạn bệnh lý di truyền, giúp tiên lượng, theo dõi kết quả điều trị nhiều bệnh lý, nhất là các bệnh hiểm nghèo, khó chữa, hoặc đáp ứng của cơ thể hoạt động trong các điều kiện khắc nghiệt. Do đó, việc phát triển chuyên ngành CNSH tại HVQY là một nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển lĩnh vực bệnh lý phân tử, ứng dụng trong đào tạo, nghiên cứu, chẩn đoán, tiên lượng, góp phần quan trọng chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.

Mặt khác, Việt Nam là nước nhiệt đới nên các bệnh truyền nhiễm vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu bệnh tật. Những năm gần đây, nhiều bệnh do vi sinh vật nổi lên với diễn biến phức tạp và nguy hiểm đang là mối lo ngại lớn cho cộng đồng quốc tế. Yêu cầu chẩn đoán, phòng bệnh, điều trị đang là vấn đề cấp thiết. Việc xác định căn nguyên vi sinh vật của các bệnh nhiễm trùng, xác định tính nhạy cảm của vi khuẩn, virus với thuốc điều trị góp phần quyết định vào sự thành công trong điều trị và dập tắt các bệnh dịch truyền nhiễm.

Với chức năng là cơ sở đầu ngành về khoa học y học trong Quân đội, HVQY sẽ tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ sinh học để phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong Quân đội hoặc đáp ứng với tình huống tập kích sinh học, giám sát kháng thuốc của các vi khuẩn để có biện pháp điều trị thích hợp và kiểm soát sự lây lan của chúng, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh. Do đó, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị sẽ là cơ sở quan trọng để HVQY hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.

PV: Mục tiêu cụ thể của HVQY là gì trong thực hiện Nghị quyết 36, thưa đồng chí?

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: HVQY sẽ chủ động bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình khoa học-công nghệ cấp Nhà nước và cấp Bộ Quốc phòng để tổ chức thực hiện tốt các đề tài, dự án; chú trọng nghiên cứu ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y học quân sự phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, chăm lo, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân; ứng dụng các kỹ thuật cao, CNSH và sinh học phân tử trong y dược học nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Tăng cường năng lực nghiên cứu, điều trị các bệnh nhiệt đới, bào chế các chế phẩm và CNSH phục vụ bộ đội làm việc trong môi trường đặc biệt, điều trị các bệnh lý truyền nhiễm mới nổi. Chú trọng những đề tài có tính toàn diện, chuyên sâu, mũi nhọn về CNSH. Duy trì, phát huy thế mạnh hoạt động khoa học-công nghệ tuổi trẻ. Tăng cư­ờng hợp tác với các học viện, tr­ường đại học, cơ sở khoa học, các bệnh viện trong n­ước và quốc tế, các doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sinh học.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết những giải pháp cơ bản trong triển khai thực hiện?

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: HVQY sẽ tập trung phát triển, đào tạo nguồn nhân lực về CNSH; đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị phòng thí nghiệm, xét nghiệm; đầu tư trọng điểm, đồng bộ và khai thác các thiết bị chuyên sâu, chú trọng các hướng nghiên cứu chẩn đoán bệnh bằng sinh học phân tử, vi sinh vật kháng thuốc, nuôi cấy và định danh vi sinh vật, các hoạt chất kháng vi sinh vật, vi sinh vật trong xử lý chất thải, probiotic; tăng cường hợp tác với các phòng thí nghiệm trọng điểm trong nước và quốc tế kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; liên kết xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu.

Cùng với đó, Học viện sẽ tập trung tham mưu, tổ chức xây dựng và thực hiện các đề tài, dự án khoa học-công nghệ thuộc lĩnh vực CNSH; trong lĩnh vực y học quân sự như nghiên cứu ứng dụng CNSH bảo đảm sức khỏe cho bộ đội trong tác chiến trên biển, đảo, tàu ngầm; bảo đảm quân y cho các lực lượng tác chiến đặc biệt; xây dựng các giải pháp cứu chữa khi xảy ra thảm hoạ; ứng dụng CNSH sản xuất kit phát hiện nhanh, chính xác tác nhân sinh học, hóa học; khắc phục hậu quả chất độc hóa học; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất vaccine phòng bệnh. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến CNSH vào chẩn đoán và điều trị, nhất là trong chẩn đoán và điều trị ung thư; ghép tạng; hỗ trợ sinh sản; nghiên cứu sản xuất vaccine, sinh phẩm phòng và chữa bệnh; chẩn đoán các tác nhân và cơ chế gây bệnh ở người; bào chế dược và sản xuất sản phẩm...

PV: Để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị, HVQY có kiến nghị, đề xuất gì với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng?

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Do đặc thù của nghiên cứu khoa học lĩnh vực y-dược là tìm ra những phương pháp, kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và dự phòng nên không thể tính toán chính xác một con số cụ thể về lợi ích kinh tế cho các nghiên cứu. Ngoài ra, các đề tài thường được triển khai trong thời gian dài (2-3 năm) nên việc bảo đảm kinh phí gặp nhiều khó khăn. Công tác đăng ký sáng chế trong thời gian triển khai các đề tài còn nhiều vướng mắc. Trình độ ngoại ngữ của một số cán bộ, giảng viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường còn hạn chế...

Vì thế, HVQY mong muốn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quan tâm công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cấp trang bị các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực CNSH; tăng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu các đề tài ứng dụng CNSH, đặc biệt là các đề tài về lĩnh vực y học quân sự triển khai tại các địa bàn biên giới, hải đảo, các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái xuất hiện; tăng cường nghiên cứu ứng dụng, sản xuất các chế phẩm sinh học tăng cường sức đề kháng, sức chịu đựng cho bộ đội trong các điều kiện lao động khắc nghiệt, gian khổ.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết