A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình trạng mất việc khiến lao động rút bảo hiểm, nhận trợ cấp thất nghiệp tăng

Quý II năm 2023, tổng số lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và rút bảo hiểm xã hội một lần trên cả nước tăng gấp rưỡi so với quý I.

Theo bản tin thị trường lao động của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, quý II có hơn 357.500 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 152.200 người so với quý I.

Lao động làm hồ sơ hưởng phần lớn không có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm gần 69%; tiếp đến là nhóm trình độ đại học trở lên 13%; cao đẳng 5,8%; sơ cấp 6,8% và trung cấp 5,4%.

Công nghiệp chế biến chế tạo là nhóm ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đông nhất, khoảng 46%; tiếp đến là dịch vụ 31%; nông lâm ngư nghiệp 4,4%; xây dựng 2,7%; bán buôn bán lẻ 2,6%.

Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng mạnh phản ánh thực trạng doanh nghiệp ở các ngành nghề mất đơn hàng, cắt giảm lao động kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay. Ảnh minh họa: VGP

Lao động nộp hồ sơ đông nhất thuộc 5 lĩnh vực thợ may thêu, lắp ráp, nhân viên bán hàng, kỹ thuật viên điện tử và kế toán. Người nhận trợ cấp chủ yếu ở các thành phố lớn, đông khu công nghiệp.

Sáu tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội tiếp nhận hơn 43.500 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh cắt giảm việc làm kéo dài, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự báo một số ngành tiếp tục gặp biến động về nhân lực. Cụ thể, sản xuất trang phục như dệt may cắt giảm 123.000 người; nông nghiệp và dịch vụ giảm 78.000 người; bán lẻ giảm 32.000 người.

Ngược lại, lao động tăng trưởng ở khu vực dịch vụ ăn uống 114.000 người; bán buôn 105.000 người và sản xuất thiết bị điện khoảng 69.700 người.

Quý II ghi nhận người thất nghiệp lẫn lao động trong độ tuổi thiếu việc làm tăng nhẹ so với quý trước. Thu nhập bình quân của người làm công hưởng lương cũng giảm 79.000 đồng, đạt 7 triệu đồng.

Mất việc, cắt giảm việc làm khiến lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, hơn 665.000 người trong sáu tháng qua, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Xét riêng quý II, lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng gần 1,5 lần so với quý I.

Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng mạnh phản ánh thực trạng doanh nghiệp ở các ngành nghề mất đơn hàng, cắt giảm lao động kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay.

Báo cáo Thủ tướng hôm 30-5, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần chưa dừng lại bởi làn sóng cắt giảm nhân sự kéo dài tới cuối năm nay. Cơ quan này kiến nghị cho lao động dùng sổ bảo hiểm xã hội thế chấp, vay tiêu dùng ngắn hạn khi thu nhập bấp bênh.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết góp ý này liên quan chính sách tài chính, tín dụng và phù hợp với bối cảnh hiện tại. Bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và bộ ngành liên quan đề xuất chính sách cho vay phù hợp.

Thống kê giai đoạn 2016-2022, gần 4,85 triệu người đã rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay lại hệ thống, tiếp tục đi làm và đóng bảo hiểm xã hội; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật