Thừa Thiên Huế: Sản phẩm OCOP nâng tầm nông sản, đặc sản
Tại Thừa Thiên Huế, việc đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu, mở điểm giới thiệu và buôn bán đã góp phần nâng tầm thương hiệu các nông sản, đặc sản tại địa phương.
Hiện nay, tại thành phố Huế và các huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã có các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Thông qua các điểm giới thiệu này, các nông sản, đặc sản của địa phương được người tiêu dùng biết đến ngày một nhiều hơn. Qua đó, giá trị các sản phẩm được nâng tầm giá trị, từ đó thu nhập của các đơn vị, doanh nghiệp ổn định và bền vững.
Điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại TP. Huế |
Ngày 8/4, một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đầu tiện ở TP. Huế được khai trương. Đây là mô hình đầu tiên ở TP. Huế nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản và xây dựng, hình thành chuỗi cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại cửa hàng, ngoài việc bày bán 11 sản phẩm OCOP như Hương sạch Tân Nguyên, Vang Bạch Mã, Đông trùng hạ thảo Narasa, Sâm Bố Chính Hoàng Gia, Yến sào Anna, Hữu cơ Huế Việt, Yes Huế, Tinh dầu thư giãn NEO, Cỏ bàng Maries… thì còn bày bán sản phẩm nông sản, đặc sản và hàng thủ công mỹ nghệ của các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Mai Quốc Bảo - Chủ cửa hàng cho biết, điểm giới thiệu này vừa là nhịp cầu kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, vừa tạo tính liên kết giữa các địa phương, giúp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đây cũng là điểm để tham quan, mua sắm các sản phẩm OCOP, đặc sản, thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao, giá đúng với nhà sản xuất.
“Sau điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại cửa hàng, thời gian tới, chúng tôi mong muốn có nhiều hơn nữa các sản phẩm OCOP và đặc sản, nông sản, thủ công mỹ nghệ đến trưng bày tại cửa hàng để lan tỏa mô hình này góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đến du khách và người dân trong cả nước”, ông Mai Quốc Bảo cho biết thêm.
Rất đông du khách tham quan, tìm hiểu và mua sắc các sản phẩm nông sản, đặc sản tại các cửa hàng OCOP |
Trước đó, đầu năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp UBND huyện Quảng Điền, các đơn vị liên quan khai trương cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực tại thị trấn Sịa. Đây là cửa hàng thứ 6 giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế.
Các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng là các mặt hàng nông sản sạch, đặc sản, sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn huyện Quảng Điền như trà rau má, mỹ nghệ mây tre đan, nấm linh chi, rau sạch, dầu lạc... Ngoài ra, nhiều mặt hàng đặc trưng của các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được giới thiệu, cung ứng cho khách hàng có nhu cầu.
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quảng Điền cho biết, nhờ các gian hàng này, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và lựa chọn sử dụng các mặt hàng do chính doanh nghiệp địa phương sản xuất. Đây cũng là một giải pháp hay về đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của địa phương.
Sau thời gian phát triển, được sự hỗ trợ từ các nguồn vốn khuyến công trung ương, địa phương… đến nay Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Bao La (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) đã chuyển sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và hàng xuất khẩu.
Hiện bộ sản phẩm rổ rá, lồng đèn trang trí (đèn Lục giác) của HTX mây tre đan Bao La được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và đang đề nghị xét đạt chứng nhận OCOP 5 sao trong năm 2023. Bên cạnh đó, bộ sản phẩm này cũng được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2022.
Ông Võ Văn Dinh - Chủ tịch HĐQT HTX mây tre đan Bao La cho biết, hiện nay, sản phẩm rổ rá của HTX được thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản rất ưa chuộng và có như cầu lớn. Bên cạnh đó, là hàng chất lượng, sắc sảo nên qua các hội chợ, triển lãm sản phẩm mây tre Bao La được đánh giá cao và ngày càng có thêm nhiều đơn hàng.
“Các sản phẩm rổ rá của HTX được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Hà Nội và khu vực phía bắc hợp đồng mua. Mặt dù là qua đơn vị trung gian, tuy nhiên doanh thu mỗi năm của HTX hơn 5,4 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng riêng hàng xuất khẩu doanh thu khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, hàng ngày tại đây còn bán hàng cho khách du lịch, người dân.
Bộ sản phẩm rổ rá của HTX mây tre đan Bao La được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản |
Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh được Sở Công Thương triển khai tích cực và có hiệu quả.
Qua đó, góp phần làm nên thành công của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Từ đó, giúp doanh nghiệp quảng bá, đa dạng hóa kinh phân phối sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, kết nối sản phẩm OCOP và đưa sản phẩm này trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng địa phương, trong nước quan tâm, sử dụng, góp phần định hướng thị trường tiềm năng xuất khẩu cho sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian tới Sở tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và quảng bá các sản phẩm sản phẩm OCOP; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thông qua các sự kiện như hội chợ, hội nghị, chương trình kết nối giao thương trong và ngoài nước, từ đó thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng được mở rộng và đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Giai đoạn từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2022 tỉnh Thừa Thiên Huế có 56 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 35 sản phẩm OCOP 3 sao, 17 sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao của 47 doanh nghiệp tại địa phương.