Nghệ An: Thiệt hại nặng nề sau trận lốc xoáy kèm mưa đá
Trước thiệt hại do trận lốc xoáy kèm mưa đá, xã Tam Hợp và Tam Quang (tỉnh Nghệ An) đã có báo cáo và đề xuất huyện hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.
Trận lốc xoáy kèm mưa đá kéo dài 30 phút trong chiều ngày 9/4 tại hai xã biên giới Tam Hợp và Tam Quang (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Mưa đá với viên đá có đường kính từ 1-2 cm, một số to bằng ngón tay cái, rơi dày đặc, đục thủng nhiều mái tôn, để lại lớp đá dày đặc hai bên rãnh thoát nước, gây ách tắc hệ thống tiêu thoát và nguy cơ mất an toàn giao thông nông thôn.
![]() |
Lốc xoáy kèm mưa đá gây thiệt hại lớn tại hai xã biên giới Tam Hợp và Tam Quang |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đinh Hồng Vinh – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - cho biết: Trận lốc xoáy kèm mưa đá đã làm tốc mái nhiều ngôi nhà, trường học và công trình công cộng. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền huyện Tương Dương đã chỉ đạo các xã huy động công an, biên phòng, dân quân tự vệ cùng các đoàn thể xuống hiện trường để kiểm tra, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả để ổn định đời sống, sản xuất. Các xã đã có báo cáo gửi UBND huyện và có đề xuất khắc phục hậu quả của thiên tai.
Tại xã Tạm Hợp, theo thống kê có 16 hộ bị thiệt hại. Trong đó, 12 hộ gia đình có nhà bị thiệt hại từ 30 - 50%, trong đó một số trường hợp thiệt hại nặng nề như hộ gia đình ông Lô Văn Khun (ước tính thiệt hại 20 triệu đồng), ông Vi Văn Đại (mái tôn và ti vi bị hư hỏng, tổng thiệt hại 10 triệu đồng),…
![]() |
Lốc xoáy thổi bay nhiều mái nhà |
Không chỉ nhà ở, một số công trình công cộng cũng chịu ảnh hưởng. Tại bản Xốp Nặm, bờ rào nhà văn hóa bị tốc, Trường Tiểu học bản Phồng bị hư hỏng trần nhựa, làm ảnh hưởng đến điều kiện dạy và học. Ngoài ra, có 4 hộ khác bị hư hỏng nhẹ với mức thiệt hại dưới 30%.
Tại xã Tam Quang, tình hình cũng không khả quan hơn. Mưa đá kéo dài gần nửa giờ khiến hàng chục ngôi nhà và các điểm trường học bị tốc mái, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ sở vật chất và việc dạy học. Hai xã Tam Hợp và Tam Quang đã đề nghị UBND huyện hỗ trợ hơn 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả thiên tai.
![]() |
Nhiều cây cối bị bật gốc sau trận lốc xoáy |
Đây là thời điểm chuyển giao từ lạnh sang nóng, khiến khí quyển bất ổn, đối lưu mạnh dễ hình thành dông, lốc và mưa đá. Địa hình đồi núi cao, rừng cây đan xen, khe suối sâu là điều kiện để hình thành các hiện tượng thời tiết cực đoan, với tốc độ di chuyển nhanh, khó lường và thường để lại hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống người dân.
Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã thường xuyên khuyến cáo, yêu cầu người dân hạn chế lao động, sản xuất, chăn thả gia súc ngoài trời, đặc biệt ở khu vực ven suối, khe núi khi trời xuất hiện mây đen, gió mạnh - những dấu hiệu ban đầu của mưa đá và dông lốc.
Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm là giai đoạn cao điểm xảy ra mưa đá tại khu vực miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, đặc biệt tại các huyện như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong... |