A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu chương trình nghị sự đối ngoại quan trọng

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan đã bắt đầu chương trình nghị sự đối ngoại quan trọng của khu vực vào sáng 11-7 tại Jakarta, Indonesia.

Kéo dài đến ngày 14-7, hội nghị lần này có sự tham gia của 29 quốc gia, Ban Thư ký ASEAN và Liên minh châu Âu (EU), cùng sự tham dự của hơn 1.100 đại biểu và gần 500 phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài khu vực. Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu.

Chuỗi hội nghị AMM-56 có tổng cộng 18 cuộc họp, bên cạnh 2 cuộc họp 3 bên giữa Chủ tịch ASEAN, Ban Thư ký ASEAN với Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ngày đầu tiên sẽ diễn ra phiên toàn thể AMM-56, Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Hội nghị AMM với đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR).

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (thứ 5, trái sang) chụp ảnh chung cùng các Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại hội nghị ở Jakarta (Indonesia), ngày 11-7-2023. 

Dự kiến, 12 văn kiện sẽ được đúc kết từ các cuộc họp trên, trong đó có Thông cáo chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN phản ánh các diễn biến hợp tác ASEAN trong năm qua, các ưu tiên hợp tác trong tương lai, cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu mà ASEAN cùng quan tâm.

AMM-56 và các hội nghị liên quan sẽ tập trung thảo luận 8 vấn đề chính nhằm duy trì ổn định, hòa bình và khả năng phục hồi kinh tế trong khu vực, trong đó vấn đề đầu tiên liên quan đến việc tăng cường thực thi các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN và các bộ quy tắc ứng xử như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), SEANWFZ, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) nhằm kiến tạo hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Chương trình nghị sự thứ hai của chuỗi hội nghị này là tiếp tục củng cố các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM), đồng thời bắt đầu tăng cường ngoại giao phòng ngừa với sự hồi sinh của các cơ chế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vốn rất quan trọng đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Ba chương trình nghị sự tiếp theo bao gồm khuyến khích các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (NWS) ký kết Nghị định thư SEANWFZ; hoàn thiện Hướng dẫn nhằm thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); an ninh lương thực, cấu trúc y tế khu vực, hợp tác hàng hải và chuyển đổi năng lượng, trong đó có phát triển hệ sinh thái xe điện.

Hai chương trình nghị sự tiếp theo là thiết lập Tầm nhìn Hàng hải ASEAN, làm tài liệu tham khảo cho các nước đối tác trong hợp tác hàng hải với ASEAN; triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) bằng cách lồng ghép hợp tác với các nước đối tác, thông qua việc tổ chức Diễn đàn cơ sở hạ tầng ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

* Sáng 11-7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith nhân dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan tại Jakarta (Indonesia).


Tags: ngoại giao
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết