A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc Hội nghị cấp cao đầu tiên của Diễn đàn Hành động toàn cầu vì phát triển chung

Ngày 10-7, Hội nghị cấp cao đầu tiên của Diễn đàn Hành động toàn cầu vì phát triển chung đã khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc với chủ đề "Sáng kiến phát triển toàn cầu: Phản ánh Chương trình nghị sự phát triển và kêu gọi hành động toàn cầu".

Hội nghị cấp cao lần đầu tiên của Diễn đàn Hành động toàn cầu vì phát triển chung tại Trung Quốc thu hút hơn 800 đại biểu đến từ 158 quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó có các đoàn đại biểu cấp cao từ 23 quốc gia và đại diện của 36 tổ chức quốc tế tham dự.

Hội nghị do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế của Trung Quốc chủ trì, với các mục tiêu bao gồm quản lý tốt hơn các cú sốc toàn cầu, thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển công bằng và cân bằng hơn, đồng thời đạt được sức mạnh tổng hợp lớn hơn thông qua hợp tác đa phương để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Chủ đề được thảo luận tập trung tại hội nghị năm nay là tăng cường hợp tác Nam-Nam và thúc đẩy phát triển chung trên toàn cầu.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Tân Hoa xã 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng hội nghị, trong đó ông nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc đóng góp cho hợp tác phát triển toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững. Trong thư chúc mừng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ, Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) được Bắc Kinh đưa ra nhằm xây dựng tinh thần đồng thuận về hợp tác và thúc đẩy phát triển chung, thúc đẩy triển khai thực hiện Chương trình nghị sự Liên hợp quốc 2023 về phát triển bền vững. Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh, phát triển luôn là mục tiêu của xã hội loài người, phát triển chung là lộ trình quan trọng để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư nguồn lực cho hợp tác phát triển toàn cầu và hợp tác với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy các sáng kiến đi vào chiều sâu, thiết thực; đồng thời có những đóng góp mới cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc theo kế hoạch và xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare chỉ ra rằng, thế giới đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng đan xen như tác động hậu Covid-19, xung đột và biến đổi khí hậu, điều này khiến diễn đàn có ý thức và trách nhiệm mạnh mẽ hơn. Thủ tướng Sogavare cho biết, trong khuôn khổ sáng kiến phát triển toàn cầu, Quần đảo Solomon sẽ hợp tác với Trung Quốc để đầu tư xây dựng 161 tháp viễn thông, lần đầu tiên sẽ kết nối chặt chẽ dân số của Quần đảo Solomon rải rác ở các khu vực khác nhau. "Điều này sẽ tạo ra cơ hội kinh tế một cách hiệu quả và hội nhập một cách có ý nghĩa người dân của chúng ta vào hệ thống kinh tế toàn cầu", Thủ tướng Sogavare nói.

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare phát biểu tại hội nghị. Ảnh: China Daily 

Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner cho biết, quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã đi được một nửa chặng đường. Các sáng kiến phát triển toàn cầu sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và cùng tìm ra những con đường mới để thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith cho rằng, sáng kiến phát triển toàn cầu sẽ thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững, đặc biệt là để đối phó với nhiều thách thức như an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy các quốc gia tăng tốc hành động để đạt được sự phát triển bền vững, để xây dựng một cộng đồng phát triển toàn cầu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết