A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẵn sàng tái khởi động Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành

Sau một thời gian đình trệ do khó khăn về nguồn vốn, Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành đang tích cực chuẩn bị triển khai nhằm tái khởi động, hoàn thành các hạng mục còn dang dở. Tuyến đường này không chỉ giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ TP Hồ Chí Minh đến các địa phương lân cận mà còn góp phần đồng bộ hạ tầng giao thông của vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành có tổng chiều dài 57,8km; đi qua tỉnh Long An (2,7km), TP Hồ Chí Minh (26,4km) và tỉnh Đồng Nai (28,7km), là tuyến đường cao tốc quan trọng của khu vực với mục tiêu góp phần phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Khởi công từ năm 2014, tổng mức đầu tư của dự án thời điểm đó là hơn 31.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng trong nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có vướng mắc về cơ chế đối với các nguồn vốn. Một thời gian dài dự án phải tạm dừng thi công, nhiều hạng mục còn dang dở.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được tái khởi động, thi công trở lại. Ảnh: NGỌC HÂN 

Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư dự án, cho biết, sau khi được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, VEC đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị triển khai nhằm tái khởi động dự án. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan, VEC đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư để trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Sau khi dự án được phê duyệt, VEC sẽ tiến hành điều chỉnh tiến độ hợp đồng các gói thầu, đồng thời, lưu ý tiến độ triển khai từng gói, tổ chức đấu thầu lại trong trường hợp cần thiết. VEC cũng quyết liệt chỉ đạo nhà thầu, ban quản lý dự án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm thời gian quy định.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành có 11 gói thầu xây lắp chính. Trong đó, 4 gói thầu đã cơ bản hoàn thành; 4 gói thầu chấm dứt hợp đồng phải đấu thầu lại; 3 gói thầu còn lại đang triển khai thi công. Cụ thể, đoạn phía Tây có 5 gói thầu (ký hiệu từ A1, A2-1, A2-2, A3 và A4), đã hoàn thành 84% tổng giá trị. Gói thầu A2-1 và A3 cơ bản hoàn thành; gói thầu A1, A2-2 và A4 đã chấm dứt hợp đồng. Hiện nay, VEC và các đơn vị tư vấn đã phát hành hồ sơ mời thầu cho gói thầu A1; hoàn thiện hồ sơ mời thầu, trình Bộ GTVT kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu A2-2 và A4. 

Đối với đoạn do JICA tài trợ, gồm có 3 gói thầu (J1, J2, J3), tổng khối lượng đạt khoảng 85%. Trong đó, gói thầu J2 đã hoàn thành; gói thầu J1 đã tái khởi động và đang thực hiện các công tác phụ trợ để có thể thi công từ tháng 7-2023. Với gói thầu J3, do đã chấm dứt hợp đồng nên VEC đang tích cực làm việc với JICA để thống nhất chủ trương đấu thầu các hạng mục còn lại và trình Bộ GTVT kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, VEC tiếp tục làm việc với các nhà thầu để đàm phán, giải quyết các thủ tục theo quy định.

Đoạn phía Đông của dự án có 3 gói thầu (A5, A6, A7), tổng giá trị hoàn thành đạt khoảng 62%. Hiện nay, chỉ có gói thầu A5 đã hoàn thành và đang tiến hành nghiệm thu bàn giao. Gói thầu A7 sản lượng đạt 71%; gói thầu A6 mới thi công được 34% khối lượng thì phát sinh vướng mắc và đã chấm dứt hợp đồng. Để thực hiện phần còn lại, VEC đã tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, triển khai thi công một số gói thầu và điều chỉnh tiến độ, gia hạn thời gian thực hiện đối với gói thầu A7. Công tác thi công đang được chỉ đạo quyết liệt, huy động thiết bị, nhân lực, vật lực, tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thời gian giải ngân theo hiệp định vay vốn với ADB.

Bên cạnh đó, các hạng mục như nhà, trạm thu phí đang được chủ đầu tư triển khai thủ tục lựa chọn nhà thầu và xử lý một số thủ tục thay đổi, điều chỉnh các gói thầu trong dự án. Công tác giải phóng mặt bằng cũng được quan tâm sát sao, nêu bật vai trò của các địa phương để hoàn thành bàn giao mặt bằng thi công cho toàn bộ dự án. Cùng với đó là giải quyết khiếu nại về chi phí phát sinh của các nhà thầu trong quá trình triển khai dự án, giúp huy động nguồn lực, sớm đưa công trình về đích.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết