A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ và Brazil cam kết cùng chống biến đổi khí hậu

Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ từ ngày 9 đến 11-2, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva đã nhận được sự cam kết của Washington trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH).

Chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ 3 của Tổng thống Luiz Inacio Lula Da Silva nhằm “hâm nóng” mối quan hệ song phương vốn lạnh nhạt dưới thời người tiền nhiệm Jair Bolsonaro-một đồng minh của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài thứ 3 kể từ khi ông Lula đắc cử tổng thống, sau chuyến thăm Argentina và Uruguay.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, ông Lula có cuộc gặp với Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một nhân vật quan trọng thuộc Đảng Dân chủ cùng các nhà lập pháp trong đảng này... Điểm nhấn của chuyến thăm là cuộc gặp giữa ông Lula với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng chiều 10-2, giờ Washington. Theo các quan chức Brazil, nội dung của các cuộc gặp trên đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến thương mại, môi trường, dân chủ và nhân quyền.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 10-2.Ảnh: Getty Images. 

Tại cuộc gặp, Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Brazil nhấn mạnh, hai quốc gia lớn nhất ở châu Mỹ đã ngăn chặn thành công các cuộc tấn công vào nền dân chủ mỗi nước. Tổng thống Luiz Inacio Lula Da Silva cho rằng, có “sự trùng hợp đáng chú ý” giữa cuộc tấn công của phe cực hữu tại Đồi Capitol ngày 6-1-2021, 14 ngày trước khi ông Biden nhậm chức, và loạt bạo động do những người ủng hộ cựu Tổng thống Bolsonaro tiến hành ngày 8-1-2023 vừa qua nhằm chống lại ông Lula. Tổng thống Brazil cũng bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ gắn kết và tăng trưởng với Mỹ vì sự phát triển của khu vực.

Một chủ đề quan trọng khác được đề cập đến trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Brazil là cuộc chiến chống BĐKH. Tổng thống Luiz Inacio Lula Da Silva nhấn mạnh nhiều về vấn đề môi trường, đặc biệt là lời hứa của ông trong việc loại bỏ tình trạng phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon vào năm 2030. Ông Lula nhấn mạnh: “Chăm sóc rừng nhiệt đới Amazon là chăm sóc hành tinh, sự sống còn của chính chúng ta”. Đồng tình với quan điểm trên, Tổng thống Joe Biden khẳng định, Mỹ và Brazil sẽ hợp tác để chống lại BĐKH.

Theo AFP, dưới thời cầm quyền (2019-2022), ông Bolsonaro đã nới lỏng các biện pháp bảo vệ môi trường, khuyến khích khai thác gỗ ở rừng Amazon, điều mà ông cho rằng sẽ giúp phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sai lầm trong chính sách trên đã khiến nạn phá rừng ở Amazon tăng 60%/năm, mức cao nhất trong 15 năm qua. Sau khi ông Lula trở lại nắm quyền điều hành đất nước Brazil, tốc độ phá rừng đã chậm lại đáng kể. Thống kê cho thấy, trong tháng 1-2023, 167km² rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh đã bị san bằng, tương đương với hơn 22.000 sân bóng đá. Tuy nhiên, con số này ít hơn nhiều so với 430km² rừng bị phá vào tháng 1-2022, khi ông Bolsonaro còn nắm quyền.

Theo Nhà Trắng, các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Brazil tập trung vào Quỹ Amazon, một cơ chế tài chính đa phương được thành lập vào năm 2009 với khoản đóng góp ban đầu từ Na Uy và do Brazil quản lý để giúp chống lại nạn phá rừng và thúc đẩy phát triển bền vững ở quốc gia Nam Mỹ này. Sau khi bị đóng băng dưới thời ông Bolsonaro, Quỹ Amazon được khôi phục lại với sự hỗ trợ từ Na Uy và Đức. Tuần trước, Đức đã công bố khoản tài trợ mới trị giá 38 triệu USD cho Quỹ Amazon, như một phần của cam kết bảo vệ môi trường trị giá 217 triệu USD dành cho Brazil. Anh cũng đang xem xét tham gia quỹ này.

Hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc tham gia Quỹ Amazon. Sự quan tâm của Washington đối với Quỹ Amazon phản ánh mong muốn lớn hơn của Mỹ trong việc giúp Brazil bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới-bức tường thành quan trọng chống lại BĐKH. Tháng 11-2022, Reuters đưa tin, Mỹ đang tìm cách truy quét tội phạm môi trường gây ra nạn phá rừng ở Amazon của Brazil, sử dụng các biện pháp trừng phạt như lệnh trừng phạt Magnitsky để giải quyết vấn đề BĐKH một cách quyết liệt hơn. “Khoản đóng góp của Mỹ cho Quỹ Amazon sẽ nêu bật việc tái lập mối quan hệ đồng minh giữa hai nước sau giai đoạn quan hệ băng giá gần đây”, AFP nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết