Philippines thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt với Nhật Bản
Ngày 9-2, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., Nhật Bản và Philippines đã ký thỏa thuận về cứu trợ thảm họa, được coi là tạo tiền đề cho mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia cùng ứng phó với những thách thức chung ở khu vực.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Philippines, thỏa thuận này, được gọi là điều khoản tham chiếu, quy định cách thức các lực lượng vũ trang của hai nước sẽ phối hợp với nhau trong các hoạt động cứu trợ thiên tai. Giới phân tích cho rằng, bước đi này nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc tập trận chung về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Thỏa thuận trên được coi là bước đầu tiên hướng tới việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý rộng lớn hơn, qua đó cho phép các lực lượng Nhật Bản triển khai tới Philippines dễ dàng hơn theo thỏa thuận tiếp cận đối ứng.
Tổng thống Philippines Marcos (bên trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong chuyến thăm. Ảnh: Reuters |
Các bước đi của Philippines trong thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh với Nhật Bản, cho thấy Manila đang theo đuổi một chính sách đối ngoại lớn hơn mà Tổng thống Marcos tuyên bố. Ông nhấn mạnh: “Chuyến thăm song phương lần này của tôi tới Nhật Bản là cần thiết và nằm trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại lớn hơn nhằm củng cố mối quan hệ chính trị chặt chẽ hơn, hợp tác quốc phòng và an ninh mạnh mẽ hơn, cũng như quan hệ đối tác kinh tế lâu dài với các cường quốc trong khu vực trong bối cảnh môi trường toàn cầu đầy thách thức”.
Thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại và an ninh với Nhật Bản được nhấn mạnh là trọng tâm trong chuyến công du kéo dài 4 ngày (từ 8 đến 12-2) của Tổng thống Philippines. Trợ lý Ngoại trưởng Philippines phụ trách các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương Neil Imperial cho biết, Tổng thống Marcos muốn “tạo điều kiện thuận lợi tăng cường các mối quan hệ quốc phòng, an ninh, chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân chặt chẽ hơn” trong thời gian ở Nhật Bản.
Trong bối cảnh Manila vừa ký một thỏa thuận với Washington cho phép Mỹ tiếp cận sâu rộng hơn với các căn cứ quân sự của quốc gia Đông Nam Á này, hợp tác an ninh là chủ đề được quan tâm nhiều nhất. Mối quan tâm của Manila cũng nằm trong lợi ích của Nhật Bản bởi Tokyo đang thúc đẩy quan hệ với các nước có chung mối quan ngại trước các vấn đề an ninh ở khu vực. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản giấu tên nói với hãng tin Reuters rằng: “Trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh quan hệ với Philippines, điều quan trọng đối với an ninh khu vực là Nhật Bản cần tham gia cùng”.
Trước chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Marcos đã tuyên bố sẽ vun đắp “những lợi ích tương hỗ” vốn hội tụ với những lợi ích của Nhật Bản. Trên thực tế, kể từ năm 2017, quân đội Nhật Bản, Philippines và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận chung liên quan đến hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Đây được coi là bước quan trọng để củng cố các liên minh khu vực, nhằm ngăn chặn trước những tình huống xung đột bất ngờ xảy ra. Việc Manila mới đây cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự tại nước này là minh chứng rõ ràng cho thấy Manila đang theo đuổi các mục tiêu chiến lược của mình. Vì vậy, chuyến thăm Nhật Bản lần này còn được đánh giá là một phép thử chính sách đối ngoại độc lập của Tổng thống Marcos mà ông theo đuổi từ khi lên nắm quyền. Chuyến thăm diễn ra hơn một tháng sau khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Philippines và có những “cam kết vững chắc” với đồng minh quan trọng trong khu vực.
Tổng thống Marcos vẫn luôn khẳng định chính quyền của ông theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, “không chọn bên” trong cạnh tranh, thay vào đó là mối quan tâm tới vấn đề lợi ích. Nhật Bản hiện là nước duy nhất có hiệp định thương mại tự do song phương với Philippines, với tên gọi Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản. Các hiệp định thương mại tự do khác của Manila đều được ký kết thông qua ASEAN hoặc khối khu vực khác. Nhật Bản cũng là nước cung cấp các khoản vay và viện trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Philippines để thực hiện các chương trình quan trọng về cơ sở hạ tầng, mạng lưới an sinh xã hội, giáo dục, nông nghiệp, hỗ trợ khoa học và công nghệ. Bởi vậy, chuyến công du Nhật Bản của Tổng thống Marcos hứa hẹn sẽ đặt những dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước.