A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NATO nỗ lực lấp đầy kho dự trữ vũ khí

Ngày 13-2, Reuters đưa tin, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lên kế hoạch yêu cầu các quốc gia thành viên trong liên minh quân sự này tăng số lượng vũ khí trong kho dự trữ vốn bị cạn kiệt nghiêm trọng liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Các đợt cung cấp vũ khí cho Ukraine đã làm thiếu hụt số lượng lớn vũ khí trong kho dự trữ của các nước NATO, bao gồm các loại đạn sử dụng cho các hệ thống tên lửa phòng không như IRIS-T, Patriot và Gepard.

Trên thực tế, ngay cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhiều quốc gia thành viên NATO đã không đáp ứng được các mục tiêu dự trữ của liên minh. Một quan chức NATO nói với Reuters: “Chúng tôi đã đặt ra các mục tiêu về đạn dược cho mỗi nước thành viên. Phần lớn những mục tiêu đạn dược đều không được đáp ứng trước cuộc xung đột ở Ukraine”.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết, nước này có lẽ sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine để hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Nga. “Quyết định về việc hỗ trợ bất kỳ máy bay chiến đấu nào, hay bất kỳ máy bay F-16 nào bên ngoài Ba Lan đều là một quyết định rất lớn và không phải là việc dễ dàng với chúng tôi”, ông Duda nói với BBC trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 12-2. Theo ông Duda, Ba Lan có chưa tới 50 chiếc F-16 và tổn thất một phần trong số đó sẽ là vấn đề nghiêm trọng đối với nước này. Ông Duda nói thêm rằng quyết định gửi các máy bay chiến đấu hiện đại của phương Tây đến Ukraine nên là một quyết định chung của các đồng minh trong NATO. Những bình luận của ông Duda được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến công du châu Âu vào tuần trước để vận động hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine.

 Hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất tại sân bay quân sự ở Đức. Ảnh: Getty Images

NATO giao nhiệm vụ cho mỗi quốc gia thành viên trong việc cung cấp các khả năng nhất định mà liên minh có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra xung đột. Không phải tất cả các nước NATO đều có vũ khí giống nhau, nhưng vũ khí của các nước này tương thích với nhau. Vì vậy, đạn dược được sản xuất tại một quốc gia trong NATO có thể được sử dụng bởi quốc gia khác. Tuy nhiên, hỗ trợ quân sự cho Ukraine đã làm tiêu hao một lượng lớn đạn dược mà các nước NATO dự trữ để tự vệ. Do đó, việc bổ sung vũ khí bị thiếu hụt là rất quan trọng. Năm ngoái, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng thừa nhận rằng các thành viên của liên minh đã cạn dần kho dự trữ vũ khí chiến lược khi hỗ trợ cho Ukraine. Ông Stoltenberg cũng kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng các nước NATO tăng cường sản xuất vũ khí và bổ sung cho kho dự trữ.

Giới phân tích nhận định, khi số lượng khí tài quân sự trong các kho dự trữ sụt giảm đáng kể do cuộc xung đột Nga-Ukraine, NATO sẽ không thể nhanh chóng chế tạo vũ khí để lấp đầy chỗ trống. Chiến sự ở Ukraine làm bộc lộ điểm yếu của ngành công nghiệp quốc phòng các nước NATO khi thiếu năng lực cần thiết để tăng cường sản xuất vũ khí nhanh chóng. Trong nhiều thập kỷ, đơn đặt hàng của chính phủ các nước ngày càng giảm khiến nhiều dây chuyền sản xuất biến mất. Bên cạnh đó, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng các nước này bị cản trở bởi một số yếu tố, trong số đó có tình trạng thiếu chất bán dẫn, một số nguyên liệu thô cũng như thiếu hụt công nhân có tay nghề cao.

Dự kiến, vấn đề tăng khối lượng vũ khí trong kho dự trữ sẽ được các nước thành viên NATO đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh của liên minh được tổ chức tại thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 7 năm nay.


Tags: NATO
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết