A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác sĩ biên phòng hết lòng với đồng bào biên giới

Phấn đấu giỏi về công tác chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đóng quân, Thiếu tá QNCN, bác sĩ Lê Anh Đức, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An, luôn tận tâm khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân ở vùng biên giới.

Đặc biệt, người thầy thuốc biên phòng này còn tìm ra bài thuốc giải độc lá ngón, cứu được nhiều người...  

Tự học tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ đồng bào 

Trong đêm đông giá rét, bản làng của đồng bào các dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú thuộc xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An tĩnh lặng như tờ, nhưng ở Trạm Y tế xã Tri Lễ vẫn sáng ánh đèn điện. Tại đây, Thiếu tá QNCN, bác sĩ Lê Anh Đức (nhân viên quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ được giao nhiệm vụ tăng cường cho Trạm Y tế xã Tri Lễ) cùng các đồng nghiệp đang túc trực để chăm sóc người bệnh và sẵn sàng khám, chữa bệnh cho bộ đội, nhân dân.

Trò chuyện với cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Tri Lễ, tôi được biết, xã biên giới Tri Lễ có diện tích tự nhiên rộng lớn, với dân số hơn 11.000 người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Thái, Mông và Khơ Mú sinh sống đoàn kết từ bao đời. Dân số đông, nhu cầu khám, chữa bệnh của bà con rất lớn nên Trạm Y tế xã Tri Lễ cũng được đầu tư xây dựng rất cơ bản, đầy đủ các phòng chức năng như một bệnh viện thu nhỏ. Cùng với hạ tầng, trang thiết bị khá đầy đủ, Trạm Y tế của xã biên giới này cũng được biên chế 3 cán bộ có trình độ bác sĩ đa khoa. Bác sĩ quân y Lê Anh Đức được chính quyền địa phương đề nghị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An điều động tăng cường về đây thực hiện nhiệm vụ.

Trời càng về đêm càng lạnh buốt, bác sĩ Lê Anh Đức ngồi đọc sách trong phòng trực, thỉnh thoảng lại mở cửa đi đến phòng lưu trú để kiểm tra sức khỏe, hỏi thăm người bệnh đang nằm điều trị. Cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Tri Lễ kể rằng, những lúc rảnh rỗi, bác sĩ Đức thường đọc sách chuyên ngành và tìm hiểu ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhờ đó, anh đã sử dụng thành thạo ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú để trao đổi với bà con khi khám bệnh, hướng dẫn sử dụng thuốc, tuyên truyền về các biện pháp phòng tránh dịch bệnh...

Thiếu tá QNCN, bác sĩ Lê Anh Đức (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội đến các bản làng khám, chữa bệnh và tuyên truyền, vận động nhân dân phòng tránh dịch bệnh. 

Lúc trời đã khuya, anh em trong kíp trực vừa định nằm nghỉ thì ngoài cổng Trạm Y tế có tiếng ồn ào, rồi một người đàn ông chạy vào nói lớn: “Bác sĩ Đức ơi, vợ ta sắp sinh rồi! Mau giúp nó với!”.

Sau khi trao đổi nhanh với người thân của sản phụ bằng tiếng của đồng bào Mông, bác sĩ Đức cùng các đồng nghiệp trong kíp trực đưa chị Vừ Y Mái (người dân tộc Mông, đến từ bản Huồi Xái, xã Tri Lễ) vào phòng hộ sinh. Được anh Đức trao đổi điều gì đó, khuôn mặt chị Vừ Y Mái đỡ căng thẳng hơn rất nhiều. Hôm đó, khi bác sĩ Đức cùng các đồng nghiệp đưa mẹ con sản phụ Vừ Y Mái sang phòng hậu sinh giao cho gia đình chăm sóc thì đã gần 3 giờ sáng. Hỏi chuyện đồng chí Lữ Văn Cương, Phó chủ tịch UBND xã Tri Lễ, anh Cương chia sẻ: “Bác sĩ Đức có trình độ chuyên môn tốt, hết lòng với người bệnh, lại thông thạo ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc nên rất thuận lợi khi khám, chữa bệnh cho nhân dân. Được bà con trong vùng tin yêu, kính trọng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ Đức còn giúp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”...

Tìm bài thuốc trị “ma" lá ngón

Không riêng xã Tri Lễ mà trên địa bàn vùng cao, biên giới của tỉnh Nghệ An, nhiều năm qua có tình trạng một số người dân khi quá túng quẫn hoặc mâu thuẫn gia đình không được giải tỏa đã tìm ăn lá ngón để kết liễu cuộc đời. Trong hàng chục năm thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, nhiều lần bác sĩ Lê Anh Đức phải đau lòng chứng kiến nạn nhân của “ma" lá ngón. Khi được gia đình phát hiện đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng nguy kịch, họ vô cùng hối hận vì lúc đó mới nhận ra sự nông nổi, dại dột của mình...

 “Ánh mắt ân hận, khao khát được sống của người lỡ dại ăn lá ngón và sự đau khổ, van lơn của người thân trong gia đình họ đã thôi thúc tôi phải cố gắng tìm ra bài thuốc giải độc để cứu người. Cây lá ngón gây chết người là do có chứa hoạt chất cực độc alkaloid. Để cứu nạn nhân thì phải nhanh chóng đào thải được chất độc ra khỏi cơ thể họ bằng cách gây nôn, móc hầu họng. Nhưng cái khó nhất là chất độc alkaloid gây tử vong rất nhanh, nếu cho nạn nhân uống nhiều nước mà chưa kịp đào thải ngay thì cũng không kịp. Qua vài năm tìm hiểu, nghiên cứu, tôi tìm ra bài thuốc giải độc lá ngón dựa vào nước vắt từ cây chuối. Sáng kiến này bắt nguồn từ việc tôi quan sát cách ăn uống của đồng bào dân tộc Mông ở các bản làng vùng cao”, Thiếu tá QNCN, bác sĩ Lê Anh Đức kể. 

Theo bác sĩ Đức, trong những năm gắn bó với vùng biên giới, anh thấy bà con người Mông khi đi rừng, lên núi thường vắt nước từ thân cây chuối rừng để uống. Bác sĩ Đức tìm tài liệu y khoa để tham khảo thì được biết, nước từ cây chuối có thể đẩy được độc tố ra khỏi cơ thể con người. Ý tưởng dùng nước ép từ cây chuối cho những người ăn lá ngón uống, rồi dùng các thủ thuật gây nôn, đẩy độc tố ra khỏi cơ thể nạn nhân đã được anh nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Kết quả là từ năm 2018 đến nay, bác sĩ Lê Anh Đức cùng các đồng nghiệp đã cứu được 25 người bị ngộ độc lá ngón. Đó là chưa kể bài thuốc này còn được bác sĩ Đức truyền cho nhiều đồng nghiệp ở các địa bàn khác và lan tỏa tới bà con các dân tộc ở vùng biên giới, giúp cứu được nhiều người ăn phải cây lá độc.

Các thầy thuốc ở Trạm Y tế xã Tri Lễ kể về nhiều trường hợp trót ăn lá ngón được bác sĩ Đức cùng các đồng nghiệp cứu sống. Tôi đã tìm gặp một trong số đó là chị Phàng Thị C. Là người dân tộc Mông, sinh ra ở tỉnh Hà Giang, chị C theo chồng về xã Tri Lễ định cư. Sau nhiều năm kết hôn, vợ chồng chị vẫn chưa có con nên nảy sinh buồn chán, bất hòa. Chị C lấy chồng xa quê nên những lần mâu thuẫn với chồng thì rất tủi thân, ấm ức. Trong một lần bị chồng trách mắng vô cớ, chị nghĩ quẩn nên đã ăn lá ngón. Khi phát hiện sự việc, chồng chị và gia đình hốt hoảng, vội vàng gọi điện cho bác sĩ Đức rồi nhanh chóng đưa chị đến Trạm Y tế xã Tri Lễ. Nhận được tin báo, bác sĩ Đức gọi ngay các đồng nghiệp chặt cây chuối, vắt nước chờ sẵn để kịp thời cấp cứu nạn nhân. Chị C đã được cứu sống. Sau biến cố đó, chồng chị C được bác sĩ Đức cùng người thân khuyên giải thêm cũng nhận ra sai lầm của mình, quan tâm, yêu thương vợ. Hiện nay, vợ chồng chị C đã sinh con và có cuộc sống hạnh phúc.

Nhắc lại chuyện buồn trước đây, chị C chia sẻ: “Sau khi được bác sĩ Đức và các thầy thuốc ở Trạm Y tế xã Tri Lễ cứu sống, sức khỏe dần hồi phục, tôi ân hận vô cùng vì trước đó đã suy nghĩ nông cạn, hành động dại dột. Cuộc sống gia đình tôi được như bây giờ là nhờ có cán bộ Đức giúp tôi hồi sinh và tỉnh ngộ nên vợ chồng tôi coi anh Đức như người anh em của mình”. 

Tìm hiểu qua các đồng chí chỉ huy đơn vị, tôi được biết, Thiếu tá QNCN Lê Anh Đức đã 25 năm phục vụ trong quân ngũ, trong đó có hơn 20 năm công tác tại các địa bàn biên giới khó khăn như xã Keng Đu, Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), xã Tri Lễ (huyện Quế Phong)... Ở bất kỳ nơi đâu, bác sĩ Đức luôn nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, tự học ngôn ngữ của đồng bào để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đồng đội được tốt hơn. Không chỉ phục vụ tại cơ sở y tế, bác sĩ Đức còn đến các bản làng, tới từng nhà dân khám bệnh, cấp thuốc, vận động bà còn ăn uống, sinh hoạt bảo đảm giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để phòng tránh dịch bệnh, đồng thời tuyên truyền về nếp sống văn hóa, văn minh. Chính vì thế, bác sĩ quân y Lê Anh Đức luôn được nhân dân quý mến, thực sự là cán bộ “đi dân nhớ, ở dân thương”.


Tags: Biên phòng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết