A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thận trọng khi trẻ nhỏ mắc đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường ở trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng. Đối với trẻ em, điều trị bệnh đái tháo đường rất khó bởi trẻ em đang cần nhiều dinh dưỡng để phát triển. Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh đái tháo đường không đúng sẽ gây ra những biến chứng nhất định, trong đó có hạ đường huyết.

Vài tháng gần đây, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận điều trị 10 bệnh nhân từ 7 đến 18 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao. Tại khoa hiện cũng đang điều trị cho một bé gái 8 tuổi mắc đái tháo đường type 1 được chẩn đoán lần đầu. Tìm hiểu từ mẹ của bé, thời gian gần đây, cháu bé xuất hiện các triệu chứng như mệt, khát nước, uống nhiều, đi tiểu nhiều, gầy sút cân. Sau gần một tuần điều trị, tình trạng của bé đã cải thiện rất tốt, đường huyết ổn định hơn. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đái tháo đường type 1 ở trẻ em đã được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám cho bệnh nhi mắc đái tháo đường tại Bệnh viện. Ảnh: THÚY QUỲNH 

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Nội tiết (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, đái tháo đường làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch khác nhau, bao gồm bệnh mạch vành với đau ngực (đau thắt ngực), đau tim, đột quỵ, hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) và huyết áp cao. Theo thời gian, những biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến các cơ quan chính trong cơ thể như tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận. Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, nhiều người nhầm lẫn rằng đái tháo đường type 1 là một bệnh lý di truyền, điều này không đúng. Đái tháo đường type 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền. Tuy nhiên, một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường type 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ (như cha, mẹ hoặc anh, chị, em) mắc bệnh này. Do vậy, khi thấy xuất hiện các triệu chứng như: Khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm mới ở trẻ chưa bị (nhất là khi xuất hiện đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín, táo chín...) thì phải đưa ngay trẻ  tới cơ sở y tế để khám, chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời. Điều trị đái tháo đường type 1, việc sử dụng insulin vẫn là bắt buộc. Sử dụng insulin sớm còn giúp bảo tồn chức năng tế bào beta còn sót lại; kiểm soát đường huyết tốt, góp phần giảm các nguy cơ về biến chứng trong lâu dài.

Các bác sĩ khuyến cáo, tăng cân quá mức, béo phì và lối sống ít vận động là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Trước đây, bệnh đái tháo đường type 2 thường chỉ xảy ra ở người lớn; hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em và thanh, thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2 do số trẻ em thừa cân/béo phì ngày càng tăng nhanh. Theo dõi đái tháo đường ở trẻ em đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực của trẻ cùng gia đình, nhất là trong thời gian đầu. Nếu trẻ đang có những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đái tháo đường, cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết