Giải pháp nào cho tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần?
Hiện tại, nhiều người lao động (NLĐ) gặp khó khăn, thu nhập giảm, do đó lượng người muốn rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần gia tăng.
Việc tìm ra giải pháp hạn chế số người rút bảo hiểm xã hội một lần là rất quan trọng, giúp bảo toàn hệ thống BHXH, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tham gia BHXH. Bởi vì, nhận BHXH một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ thiệt thòi cho người lao động.
Tại sao người lao động muốn rút BHXH một lần?
Tại trụ sở BHXH TP Hà Nội, ông Lê Văn Bình (50 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đang chờ đến lượt để làm thủ tục rút BHXH một lần. Ông chia sẻ: “Hai năm thất nghiệp do đại dịch Covid-19, tôi cũng đã cố gắng xoay xở nhưng bây giờ thì không thể gắng gượng được nữa nên phải làm thủ tục rút BHXH một lần. Tôi biết khi rút hết một lần thì sẽ mất nhiều quyền lợi nhưng không còn cách nào khác”.
Nói về lý do đăng ký rút tiền BHXH một lần, chị Nguyễn Thị Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: “Mặc dù đã hết thời gian giãn cách do dịch bệnh nhưng cuộc sống của gia đình tôi vẫn hết sức bấp bênh. Tôi cũng đã xin việc nhiều nơi, nhưng nơi thì nợ lương, nơi thì lương quá thấp, không đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày.
Hiện, kinh tế gia đình do chủ yếu dựa vào đồng lương ít ỏi của chồng nên tôi muốn rút BHXH một lần để trang trải nợ nần, còn chút ít sẽ làm vốn buôn bán. Hơn nữa, tôi năm nay 38 tuổi, tham gia BHXH được 9 năm. Để đủ 60 tuổi theo quy định mới nhận lương hưu thì rất lâu trong khi tôi cần tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt của gia đình”.
Chi trả lương hưu cho người dân. ẢNH: AN TRẦN |
Đó là những chia sẻ của NLĐ khi cuộc sống khó khăn, cần có tiền để giải quyết những nhu cầu trước mắt. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, có khoảng 4,6 triệu người hưởng BHXH một lần. Số người rút BHXH một lần qua các năm 2020 có 860.000 người, năm 2021 có 960.000 người, năm 2022 có 895.000 người.
Phân tích về thực trạng trên, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho rằng, hai năm qua, dịch Covid-19 tác động không nhỏ tới đời sống của NLĐ. Khi Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới, NLĐ quay trở lại thị trường lao động chưa được bao lâu thì nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đồng nghĩa với việc NLĐ phải giãn việc, ngừng việc, nghỉ luân phiên và không ít NLĐ mất việc, lâm vào tình cảnh khó khăn và giải pháp duy nhất họ nghĩ đến là rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống.
Ngoài ra, do chính sách tạo điều kiện cho NLĐ rút BHXH dễ dàng, không tư vấn cho họ lợi ích của việc ở lại hệ thống an sinh xã hội cũng là nguyên nhân khiến NLĐ rời bỏ hệ thống BHXH.
Về vấn đề này, ông Chu Mạnh Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, BHXH các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp NLĐ hiểu rõ về những thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống BHXH. Cần đẩy mạnh truyền thông để người dân không nên hưởng BHXH một lần, tự tước đi quyền an sinh cơ bản của bản thân. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ cuộc sống cho NLĐ để họ không có ý định rút BHXH một lần.
Tăng tính hấp dẫn của BHXH
Phân tích về tình trạng rút BHXH một lần của NLĐ, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, ngoài nguyên nhân do đại dịch Covid-19 khiến nhiều NLĐ mất việc làm thì còn nguyên nhân khác đó là chính sách BHXH chưa thực sự hấp dẫn và cũng chưa tạo được niềm tin vững chắc để thu hút đông đảo NLĐ gắn bó lâu dài với hệ thống.
Bởi, theo Luật BHXH, NLĐ phải có ít nhất 20 năm đóng BHXH và bảo đảm tuổi đời theo quy định để được hưởng chế độ hưu trí. Thời gian này được đánh giá còn khá dài, dẫn tới nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
Mặt khác, vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH khiến niềm tin của NLĐ vào hệ thống này thấp... để giải quyết căn cơ tình trạng NLĐ rút BHXH một lần cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó quan trọng nhất là tạo được niềm tin và sự đồng thuận của NLĐ. Giải pháp căn cơ nhất, bền vững nhất là tăng cường quyền lợi cho NLĐ. Theo đó, tiền lương phải bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình họ, có một phần tích lũy để phòng khi rủi ro.
Trước thực trạng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Đồng thời, đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện... Đặc biệt, bên cạnh việc hưởng lương hưu, NLĐ tham gia BHXH khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình)...
Việc rút BHXH một lần là giải pháp tình thế, nhưng sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho NLĐ. Thêm vào đó, tình trạng này sẽ khiến Việt Nam không thể thực hiện được mục tiêu BHXH toàn dân và gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để vận động, tạo sức hút nhằm giúp NLĐ yên tâm tham gia BHXH ổn định, lâu dài.